Theo dự báo của Cục Đăng kiểm VN, nếu đến tháng 10/2024, Nghị định sửa đổi Nghị định 30/2023 và Nghị định 139/2018 không được ban hành, hàng loạt trung tâm đăng kiểm (TTĐK) sẽ phải đóng cửa do bị đình chỉ hoạt động trong 3 tháng.
Lúc này, tại Hà Nội chỉ còn 2 TTĐK hoạt động, năng lực chỉ đáp ứng khoảng 6.000 phương tiện, trong khi đó, TP.HCM sẽ "vỡ trận" khi không còn trung tâm nào hoạt động.
Để khắc phục tình trạng này, theo Cục Đăng kiểm VN và các Sở GTVT TP Hà Nội, TP.HCM chỉ còn cách đẩy nhanh việc ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe giới.
Ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện TAND các quận, huyện đã xét xử 8 vụ án tại 8 trung tâm đăng kiểm, trong đó có 31 đăng kiểm viên được hưởng án treo.
Nếu Nghị định sửa đổi được ban hành, Hà Nội sẽ có được lực lượng đăng kiểm viên này tham gia hoạt động kiểm định tại các TTĐK.
Khi đó, lực lượng đăng kiểm viên công an, quân đội theo phương án dự phòng có thể dồn hỗ trợ các địa phương khác, trong đó có TP.HCM.
Tuy nhiên, Hà Nội cũng chủ động tính phương án dự phòng trong trường hợp chỉ còn 2 TTĐK hoạt động, sẽ đề xuất sử dụng các trang thiết bị của các TTĐK bị đóng cửa, ước tính tận dụng được khoảng 23 TTĐK với 34 dây chuyền kiểm định.
Nhưng sẽ thiếu khoảng từ 40 – 120 đăng kiểm viên, đây là con số rất lớn và theo ông Long sẽ rất cần sự hỗ trợ của đăng kiểm viên công an, quân đội.
Mặt khác, Hà Nội đã tính đến các cung đường, tuyến đường có thể xảy ra ùn tắc do người dân đưa xe đi đăng kiểm. Từ đó, ông Long kiến nghị Cục CSGT chỉ đạo lực lượng phối hợp với thanh tra giao thông tổ chức phân luồng giao thông nếu ùn tắc đăng kiểm xảy ra.
Phía Cục Đăng kiểm VN, ông Long kiến nghị quan tâm giới thiệu đăng kiểm viên để Hà Nội bổ sung cho các TTĐK, đặc biệt là đăng kiểm viên bậc cao.
Tại TP.HCM, nếu Nghị định này được ban hành trước tháng 9, các TTĐK trên địa bàn tránh được việc bị đóng cửa, song lại thiếu hụt nhân lực khi chỉ có 5 đăng kiểm viên trong vụ đại án đăng kiểm được viện kiểm sát đề nghị cho hưởng án treo.
Từ đó, ông Bùi Hoà An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM đề nghị Cục Đăng kiểm VN cố gắng vận hành lại hoạt động của TTĐK 5006V (hiện đang đóng cửa do hết thời gian thuê mặt bằng).
Mặt khác, cuối tháng 9, TP.HCM cũng cần được bổ sung ngay 5 đăng kiểm viên (gồm 1 đăng kiểm viên bậc cao, 4 đăng kiểm viên bậc thường) để vận hành thêm 1 dây chuyền kiểm định.
Ông An đề nghị Cục Đăng kiểm VN rà soát, sớm giới thiệu nhân lực này cho TP.HCM chủ động tuyển dụng.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết, khi tiếp nhận lực lượng đăng kiểm viên của Bộ công an, Bộ Quốc phòng, Cục này sẽ ưu tiên sắp xếp hỗ trợ các TTĐK ở TP.HCM và Hà Nội bởi đây là 2 địa phương có nhu cầu kiểm định phương tiện rất lớn trong các tháng cuối năm 2024.
Đồng thời, yêu cầu Phòng Kiểm định xe cơ giới thống kê tình trạng đăng kiểm viên hiện tại, đánh giá năng lực kiểm định chung của các đơn vị đăng kiểm để tìm nhân lực giới thiệu cho TP.HCM bổ sung theo kiến nghị của lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM.
Về lâu dài, Cục Đăng kiểm VN sẽ tăng cường mở các lớp đào tạo đăng kiểm viên, mở rộng đào tạo theo địa chỉ, theo yêu cầu để bổ sung nguồn nhân lực đang thiếu hụt cũng như nguồn dự phòng khi cần thiết.
Tại Hội nghị bàn các giải pháp hỗ trợ địa phương trong trường hợp xảy ra ùn tắc kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ do Cục Đăng kiểm VN tổ chức, đại tá Nguyễn Quốc Thắng, Trưởng Phòng Hướng dẫn, đăng ký và kiểm định phương tiện Cục CSGT - Bộ Công an kiến nghị tiếp tục áp dụng giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong đặt lịch hẹn đăng kiểm.
Nghiên cứu đưa quy định bắt buộc người dân phải đặt lịch hẹn qua app TTDK để chủ động trong lựa chọn lịch đăng kiểm, giảm lượng xe chờ đợi, tránh ùn tắc phía trước các TTĐK.
Ngoài ra cũng tránh tình trạng đơn vị đăng kiểm này tiếp nhận xe đặt lịch trực tuyến, đơn vị khác lại không gây khó khăn cho người dân.
Mặt khác, đại tá Nguyễn Quốc Thắng cũng cho rằng, nếu Nghị định sửa đổi Nghị định 30/2023 sửa đổi theo hướng bỏ quy định đóng cửa 3 tháng các TTĐK nếu có từ 2 đăng kiểm viên bị thu hồi chứng chỉ, cần nghiên cứu chế tài siết chặt trách nhiệm, xử lý nghiêm người đứng đầu đơn vị đăng kiểm để tăng tính răn đe.
Phía Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ông Đặng Văn Chung, Chủ tịch Chi hội vận tải hàng siêu trường, siêu trọng kiến nghị Cục Đăng kiểm sớm thống kê số liệu phương tiện sắp đến hạn đăng kiểm ở các địa phương.
Từ đó, hiệp hội sẽ có văn bản khuyến cáo chủ xe, doanh nghiệp đăng kiểm xe trước giai đoạn có nguy cơ ùn tắc, tránh rủi ro phải chờ đợi lâu quá tải đăng kiểm, ảnh hưởng đến sinh hoạt và hoạt động kinh doanh.
Mặt khác, cần cung cấp danh sách TTĐK kèm theo biểu đồ hoạt động, tạm dừng hoạt động theo lịch xét xử tích hợp trên app đăng kiểm, để chủ xe, doanh nghiệp có sự chủ động lựa chọn TTĐK phù hợp, tránh mất thời gian.
Ngoài ra, ông Chung cũng đề nghị Cục Đăng kiểm VN, Sở GTVT các địa phương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có văn bản đề nghị khoan hồng cho các đăng kiểm viên được hưởng án treo, có cơ hội được sửa sai, làm lại cuộc đời, lấy công chuộc lỗi.
Bởi khi Nghị định sửa đổi được ban hành, họ sẽ là lực lượng quan trọng giúp duy trì hoạt động của các TTĐK.
Ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ GTVT, cho biết, sau khi tiếp thu, giải trình ý kiến của Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, cơ quan liên quan, Bộ GTVT đã hoàn thiện Nghị định sửa đổi để trình Chính phủ. Hy vọng dự thảo Nghị định sớm được thông qua, ban hành và có hiệu lực ngay kể từ ngày ký để tạo thuận lợi hơn trong đăng kiểm trong thời gian tới.