Trước đó, trong tháng 9/2022, Đoàn khảo sát do Cục Đăng kiểm VN chủ trì, phối hợp với Cục Hàng hải VN, Cục Đường thủy nội địa VN thực địa đối với phương tiện thủy có gắn máy, thiết bị hút cát, sỏi.
Qua kiểm tra, các phương tiện tại hai địa phương đều là tàu hút cát bằng phương pháp bơm thuỷ lực; trong đó, cát, bùn lẫn nước được hút lên từ khai trường, bơm vào khoang hàng của tàu và một phần cát, bùn và nước chảy tràn qua miệng khoang trở lại khai trường.
Cục Đăng kiểm VN cho biết, các phương tiện này đều được đăng kiểm đúng quy định, việc duy trì trạng thái kỹ thuật giữa hai kỳ kiểm tra đăng kiểm được thực hiện thỏa mãn theo quy định của Luật Giao thông đường thuỷ nội địa và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện thủy nội địa.
Điều kiện hoạt động của phương tiện phù hợp với Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa; Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.
Về vấn đề bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động của phương tiện tại mỏ cát, các doanh nghiệp khai thác cát cho biết, hàng năm (6 tháng/1 lần) đều thực hiện quan trắc môi trường để đánh giá tác động của việc hút cát tại các mỏ được cấp phép, kết quả của hoạt động khai thác cát không tác động nhiều tới môi trường xung quanh dự án.
Tại cuộc họp với các bên liên quan sau khảo sát thực địa, đại diện Sở GTVT TP Hải Phòng cho biết, văn bản số 11710/VPCP-CN ngày 02/11/2017 của Chính phủ có nội dung mở hơn so với văn bản số 14764/BGTVT-KCHT ngày 29/12/2017 của Bộ GTVT khi không có yêu cầu “chỉ cấp đăng ký, đăng kiểm đối với các phương tiện gắn máy móc, thiết bị hút cát, sỏi cho các đơn vị có giấy phép khai thác cát, các dự án nạo vét và các đơn vị chuyên môn của Bộ GTVT quản lý”.
Đại diện các chủ mỏ và chủ phương tiện cũng cho biết, nếu phương tiện thuộc sở hữu của chủ mỏ cát mới được cấp đăng kiểm thì doanh nghiệp sẽ không thể đủ phương tiện và không đảm bảo tiến độ thực hiện dự án san lấp đang thực hiện, việc này có thể dẫn đến hệ lụy rất lớn cho doanh nghiệp, thậm chí đưa doanh nghiệp đến bờ vực phá sản, đời sống của người lao động không được bảo đảm.
Do đó, các chủ mỏ đề xuất được đăng kiểm phương tiện khi chủ mỏ thuê phương tiện của các cá nhân, tổ chức có phương tiện mà không có giấy phép khai thác cát để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như bảo đảm tiến độ của các dự án trọng điểm.
Nếu được chấp thuận với hình thức thuê phương tiện, chủ mỏ sẽ cam kết các phương tiện được thuê chỉ hoạt động tại dự án của doanh nghiệp đó và chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về khai thác cát, sỏi.
Sau khi kết thúc hợp đồng, chủ mỏ chịu trách nhiệm thông báo với các cơ quan chức năng có liên quan để giám sát, quản lý phương tiện.
Cục Đăng kiểm VN cho biết, việc chỉ đạo, chấn chỉnh hoạt động khai thác tài nguyên (cát, sỏi) của Chính phủ, Bộ GTVT là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc thực hiện đăng kiểm cho phương tiện phải tuân thủ quy định của Luật Giao thông đường thuỷ nội địa và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chuyên ngành.
Trong thời gian nghiên cứu bổ sung quy định về vận hành, khai thác đối với phương tiện trong các điều kiện địa hình, địa chất khác nhau, kiến nghị Bộ GTVT cho phép Cục Đăng kiểm VN tiếp tục triển khai đăng kiểm cho các phương tiện loại này.