Sạt lở đường dồn dập ở Tây Nguyên do đâu?

Chưa khi nào tại khu vực này xảy ra dồn dập các vụ việc, gây thiệt hại nặng nề đến vậy.

Yêu cầu Đắk Nông công bố tình trạng khẩn cấp

sạt lở đường dồn dập ở tây nguyên do đâu?

Hiện trường sạt lở đường tránh TP Gia Nghĩa.

Ngày 7/8, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông về tình hình mưa lũ, sạt lở.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, lượng mưa tại Đắk Nông lớn gấp 2 lần trung bình hàng năm với 700mm và gấp 1,5 lần năm 2022. Do đó, Đắk Nông cần tính toán để có các giải pháp ứng phó.



Tin liên quan

sạt lở đường dồn dập ở tây nguyên do đâu?

Đắk Nông: Sạt lở hành lang, đường tránh Gia Nghĩa nguy cơ tụt xuống suối

sạt lở đường dồn dập ở tây nguyên do đâu?

Thủ tướng chỉ đạo khẩn ứng phó mưa lũ, sạt lở đất tại Tây Nguyên


Đối với sự cố sạt lở, ông Hiệp đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông phải công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai để có phương án ứng phó. Đặc biệt, tình trạng sụt lún tại hồ thủy lợi Đắk N’Ting, cần tính toán đến kịch bản vỡ đập.

Thứ trưởng chỉ đạo khảo sát tổng thể các khu vực sụt lún tìm kiếm nguyên nhân. Cùng với khoan thăm dò phải quan trắc để nhận định chính xác, đưa giải pháp khắc phục.

Tại Lâm Đồng đang cho khoan 15 mũi, hiện giờ đã khoan được 8 mũi, Thứ trưởng Hiệp nhận định, khu vực Tây Nguyên bình quân mỗi năm mất đi từ 5-7 nghìn ha rừng. Rừng và chất lượng rừng ngày càng giảm thì hậu quả sẽ rất khó lường.

Tham gia đoàn công tác, PGS. TS Nguyễn Châu Lân, giảng viên Đại học GTVT Hà Nội đánh giá: “Đối với vị trí sụt lún ở đường Hồ Chí Minh, đoạn qua TP Gia Nghĩa liên quan đến yếu tố thoát nước ngầm. Vì vậy, cần thiết phải bóc bỏ và làm lại từ dưới lên, đồng thời chú ý phần thoát nước, có gắn các rọ đá”.

PGS. TS Lê Văn Hùng (thành viên đoàn công tác) nhận định, mưa nhiều và kéo dài khiến đất ngậm nước như viên sủi, trương nở gây ra sạt trượt, xuất hiện nhiều rãnh nứt ở Đắk Nông.

Các số liệu thống kê cho thấy, lượng mưa lớn nhất của tháng 7 hàng năm chỉ khoảng 400mm, nhưng tháng 7 năm nay, lượng mưa đã hơn 700mm.

Thiệt hại lớn về người và hạ tầng

sạt lở đường dồn dập ở tây nguyên do đâu?

Hiện trường sạt lở đèo Bảo Lộc.

Từ chiều 30/7, mưa lớn kéo dài khiến mái taluy dương tại Km 103+100 quốc lộ 20 bị sạt lở. Một khối lượng đất đá lớn vùi lấp trụ sở chốt cảnh sát giao thông đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng làm 3 chiến sỹ hy sinh và một người dân thiệt mạng. Giao thông qua đèo Bảo Lộc bị chia cắt hoàn toàn.

Với những nỗ lực của ngành giao thông và chính quyền địa phương, tuyến đường đã được thông ngay sau đó. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn còn hàng trăm điểm nguy cơ sạt lở trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.

Đến sáng 2/8, tại Km 1900+350 - Km 1900+650, đường Hồ Chí Minh qua TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông cũng xảy ra sạt lở mái taluy âm, chiều dài khoảng 300m.

Sáng 7/8, tình hình sạt trượt tiếp tục lan rộng, sâu thêm. Tại phần làn đường gom, vệt nứt, lún có chiều dài khoảng 40m, chiều sâu cao nhất là 4,5m. Đặc biệt, khu vực xuất hiện thêm một lỗ rỗng lộ thiên, có mạch nước ngầm chảy qua theo hướng từ núi đá sang vị trí sạt lở với đường kính khoảng 1,5m.

Ngoài ra, mưa lũ cũng làm tuyến đường tránh Gia Nghĩa (đoạn qua tổ dân phố 4, phường Nghĩa Tân) sạt lở tại Km 11+800 - Km 11+900. Tại hiện trường mặt đường xuất hiện vết nứt có chiều rộng khoảng 1 - 2cm, kéo dài 50m.

Cùng với đó, dự án hồ thủy lợi Đắk N’Ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong), khu vực bon Bu Krắc và bon Bu Prăng (xã Quång Trực, huyện Tuy Đức) đã xảy ra sụt lún, sạt lở nghiêm trọng.

Tại Đắk Lắk, tuyến tránh trung tâm thị trấn Ea Drăng (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) cũng sạt lở chưa từng có.

Tìm nguyên nhân, khẩn trương khắc phục

sạt lở đường dồn dập ở tây nguyên do đâu?

Dự án hồ thủy lợi Đắk N’Ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong) bị sụt lún, nứt.

Theo Sở GTVT Đắk Nông, nguyên nhân ban đầu khiến đường Hồ Chí Minh bị nứt gãy, sụt lún là do đoạn nền đường đắp có mái ta luy âm cao và nằm trên triền đá. Đồng thời, trong thời gian vừa qua TP Gia Nghĩa có mưa lớn kéo dài.

Hiện chính quyền địa phương phối hợp với nhà đầu tư BOT đã di dời 16 hộ dân phía chân taluy âm, cấm lưu thông 1/2 đường bên trái, 1/2 đường còn lại tổ chức giao thông 2 chiều và cấm các loại xe tải trọng nặng, xe khách.

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó giám đốc Công ty Cổ phần BOT & BT Đức Long Đắk Nông (nhà đầu tư) cho biết, công ty đã phối hợp với Sở GTVT Đắk Nông và Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế giao thông vận tải phía Nam kiểm tra sơ bộ hiện trạng vị trí sạt lở, đề xuất giải pháp xử lý trước ngày 20/8.

Đối với tình trạng sạt lở đường tránh Ea H’leo, theo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, nguyên nhân ban đầu được xác định do các đợt mưa lớn kéo dài gây xói lở hư hỏng cống ngang đường, nước ngấm vào nền đường gây lún nứt cục bộ dẫn đến hư hỏng mặt đường.

Phải giữ được rừng tự nhiên

Trao đổi với Báo Giao thông, GS. TS Bảo Huy, nhà nghiên cứu độc lập về tài nguyên và môi trường rừng, nguyên giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên đánh giá, sạt lở đất trên vùng đồi núi dốc lớn do nhiều nguyên nhân. Trong đó có lượng mưa cao tập trung trong thời gian ngắn, trên địa hình dốc, chiều dài dốc ngắn, thảm thực vật không đủ khả năng giữ đất, chống xói mòn.

Bên cạnh đó, là việc san ủi sườn đồi núi làm đường làm nhà ngay dưới đồi cao vách đứng…

Để ngăn cản, chống xói mòn, sạt lở đất trên địa hình dốc, nơi có lượng mưa cao đột ngột, thì giải pháp tốt nhất vẫn là giữ rừng tự nhiên để ngăn cản nước mưa rơi xuống trực tiếp mặt đất, làm giảm dòng chảy mặt đột ngột, chống dòng chảy mặt mạnh, chống lũ quét.

“Trong hơn hai thập kỷ qua, việc chuyển đổi rừng tự nhiên nhiệt đới sang canh tác cây nông nghiệp ngắn ngày, cây công nghiệp được tiến hành hợp pháp hoặc tự phát không có quy hoạch diễn ra quá lớn.

Cùng với đó là việc khai thác gỗ, lâm sản khác không thể kiểm soát đã làm diện tích rừng tự nhiên thu hẹp, chức năng sinh thái như điều hòa nước, hình thành đất, chống xói mòn đất, chống lũ quét, chống hạn hán… không còn, gây ra nhiều nguy cơ, trong đó có sạt lở đất.


Tập trung ứng phó mưa lũ, đảm bảo giao thông

Bộ GTVT vừa có công điện khẩn gửi Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và sở GTVT các địa phương liên quan yêu cầu tập trung ứng phó mưa lũ, sạt lở đất tại khu vực Bắc Bộ và Tây Nguyên.

Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ chủ trì, phối hợp với các sở GTVT, lực lượng chức năng địa phương tổ chức trực phân luồng giao thông; cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, đoạn đường bị sạt lở.

Đồng thời chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, bố trí máy móc, nhân lực ở những vị trí trọng yếu thường xuyên bị sụt trượt để chủ động khắc phục đảm bảo giao thông nhanh nhất.

Cục Đường bộ Việt Nam cử lãnh đạo tham gia đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn kiểm tra công tác phòng ngừa, khắc phục thiên tai tại khu vực Tây Nguyên, nhất là công tác bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình, sạt lở, sụt lún đất tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông.

Sở GTVT các tỉnh tập trung kiểm tra, rà soát ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún đất bảo đảm an toàn các công trình, an toàn dân cư trên các tuyến quốc lộ được ủy thác và các tuyến tỉnh lộ thuộc địa bàn quản lý.