Đường ở Việt Nam chủ yếu có hai làn, chỉ cần một ôtô và vài xe máy dàn ngang chạy rề rà là cả đoàn xe phía sau phải đi chậm.
Ngày hôm qua tôi vội tới chỗ làm nhưng đã phải lái xe chậm rãi sau một chị đi xe máy suốt quãng đường chừng 500m. Chị cứ đi lững thững chưa tới 20 km/h như đang bận suy nghĩ gì đó. Tôi không dám nhấn còi to sợ chị giật mình, nhưng bấm còi nhỏ thì dường như chị không nghe thấy.
Rất nhiều xe máy luồn lách qua được nhưng tôi thì chịu chết, mặc dù chỉ cần chị nép sang phải chừng một mét thôi là tôi đã có thể vượt lên. Xe có kính chiếu hậu nhưng chị không nhìn mà nếu có nhìn thì chị cũng chẳng thấy tôi nhá đèn vài lần, vì gương xe đã cụp vào trong.
May quá cũng đã tới ngã tư đèn đỏ. Nhưng thật kỳ lạ, mặc dù đi rất chậm nhưng chị ấy đã lách qua lối dành cho người rẽ phải và vượt lên đứng quá vạch cho người đi bộ. Tưởng chị sẽ đi nhanh từ đây, ai ngờ đèn xanh rồi chị lại không để ý, đến khi những xe phía sau dồn dập hú còi, chị mới lại lững thững đi tiếp, vẫn giữa làn, vẫn cái tốc độ "kinh điển" ấy.
Tôi nói "kinh điển" vì đó là tốc độ chung của xe cộ trong nội thành ở Việt Nam, và vì tôi có một bà chị họ cũng rất tự hào vì ra đường không bao giờ chạy quá 20 km/h.
Tôi đùa rằng chi đi như vậy là đang cản đường xã hội, nhất là lúc giờ cao điểm rất nhiều người cần đi nhanh, nhưng chị nhất quyết rằng phải an toàn cho mình trước đã.
Thật ra, không riêng gì chị họ tôi hay người phụ nữ kia, trên đường Việt Nam có quá nhiều người đi với tốc độ rất chậm. Đó là những cụ già 60-70 tuổi vẫn phải chạy xe máy mưu sinh với tấm lưng đã còng, bàn tay run rẩy. Những phụ nữ chân yếu tay mềm mặc đồ quây kín để tránh cái nắng như thiêu đốt, rồi những người không đủ năng lực hành vi lái xe, không nắm luật giao thông hoặc bỏ qua luật giao thông.
Chỉ cần đứng ở một ngã tư năm phút là ta thấy rõ toàn cảnh giao thông Việt Nam. Rất nhiều xe chạy chậm nhưng tới ngã tư là lách lên đè vạch. Rồi xe rẽ trái nhưng lại cứ đi làn bên phải, đến lúc đèn xanh bật lên thì tạt đầu bên trái cản đường những người đi thẳng. Vậy là tất cả cùng đi chậm.
Chưa hết, dòng xe cần thoát đi cho nhanh để giải phóng mặt đường nhưng rất nhiều người qua ngã tư rồi, đường vắng vẫn chạy 20 km/h. Hơn thế, họ chạy xe chậm nhưng không nhường đường, không quan tâm những xe đang chạy sau mình. Đó chính là một hành vi làm phiền xã hội, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của người khác.
Đi chậm cho an toàn, nhưng văn hóa nhường đường không có nên khiến cả xã hội cứ phải chạy từ từ ngoài đường, dẫn đến kẹt xe. Điều nay khiến chúng ta mất quá nhiều thời gian giao thông dẫn đến trì trệ, làm chậm tăng trưởng kinh tế và phát triển trên mọi lĩnh vực.
Điển hình của giao thông ở Việt Nam là những con đường mỗi chiều chỉ có hai làn xe, xe máy và ôtô đi chung. Một ôtô và vài xe máy dàn ngang chạy rề rà là cả đoàn xe phía sau phải đi chậm. Ức chế nhất là những người chạy xe kiểu rùa bò như này trên đường TP HCM - Phan Thiết.
Một nguyên lý rất đơn giản là chỉ cần ôtô nép vào bên trái, xe máy nép vào bên phải là ắt sẽ có lối giữa cho những người cần đi nhanh vượt lên. Nghe thì đơn giản, nhưng thực tế là không tưởng, bởi xe cá nhân đã quá nhiều và luật giao thông không điều chỉnh nổi nữa.
Thật sự, tôi không trách cứ những người chạy chậm, mà chỉ thấy cảm thông vì đó là vấn đề chung của giao thông Việt Nam, khi có quá nhiều người phải chạy xe cá nhân ra đường vì khó hay không có lựa chọn nào khác.
Tôi chỉ ước ao giá như những người phụ nữ chân yếu tay mềm kia, những cụ già run rẩy mưu sinh kia, những người yếu thế phải vất vả bươn chải giữa dòng xe cộ mịt mù nắng nôi khói bụi kia được vứt bỏ xe máy để an toàn trên xe công cộng máy lạnh mỗi khi phải ra đường.
Rất nhiều người yếu thế, không đủ sức khỏe, không nắm rõ luật vẫn phải lái xe cá nhân ra đường, vì họ không có lựa chọn nào khác, và vì xe cá nhân đã phát triển nhiều đến mức tiện lợi và tùy tiện, khiến lợi ích cá nhân "đè bẹp" lợi ích chung.
Bài toán duy nhất để giải quyết vấn nạn kẹt xe, xe chạy quá chậm, là hạn chế tối đa xe cá nhân. Cách làm như thế nào thì đã có quá nhiều người nói rồi, tranh luận đã quá nhiều rồi, lo lắng, ngụy biện nhiều rồi, nhưng thế giới thì cũng đã giải quyết xong từ cả trăm năm trước rồi.
Con đường phát triển đã rõ ràng, chỉ là chúng ta có đi, có muốn đi hay không mà thôi.