Theo đó, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng thuộc đối tượng nghiên cứu phát triển có nhu cầu tham gia giao thông đường bộ là các loại xe chưa được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT & BVMT) nhưng có nhu cầu tham gia giao thông đường bộ để đánh giá về độ bền, khả năng thích nghi của xe đối với các yếu tố thời tiết, môi trường, điều kiện giao thông tại Việt Nam hoặc nhằm mục đích cải tiến chất lượng của sản phẩm.
Xe phải đáp ứng 10 yêu cầu kỹ thuật chung. Cụ thể, phải được sản xuất, lắp ráp từ phụ tùng chưa qua sử dụng; Được cải tiến, thay đổi từ xe chưa qua sử dụng và sử dụng phụ tùng chưa qua sử dụng để cải tiến, thay đổi;
Được cải tiến, thay đổi từ xe nghiên cứu phát triển đang trong quá trình chạy thử và sử dụng phụ tùng chưa qua sử dụng để cải tiến, thay đổi; hoặc Đã được chạy thử trên đường tại nước ngoài.
Kích thước và khối lượng xe phải tuân thủ quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATKT & BVMT đối với từng loại xe (ô tô; rơ - moóc; sơ - mi rơ - moóc; xe chở người bốn bánh có gắn động cơ; xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ; xe mô tô, xe gắn máy; xe máy chuyên dùng (trừ rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi máy kéo).
Trong đó, xe máy chuyên dùng có chiều dài toàn bộ xe không được lớn hơn 12,2 m; chiều rộng toàn bộ không được lớn hơn 2,5 m và chiều cao toàn bộ không lớn hơn 4,0m.
Đối với rơ - moóc, sơ - mi rơ - moóc được kéo bởi máy kéo phải đảm bảo kích thước chiều rộng toàn bộ không được lớn hơn 2,5 m; chiều cao toàn bộ không được lớn hơn 4,0 m.
Các xe nghiên cứu phát triển phải có tài liệu thiết kế, các phụ tùng như pin lithium sử dụng làm nguồn dự trữ năng lượng trên xe, gương, đèn, kính, lốp, vành hợp kim phải thuộc kiểu loại đã được chứng nhận hoặc có kết quả thử nghiệm đạt yêu cầu tại Việt Nam hoặc của tổ chức có thẩm quyền nước ngoài.
Trường hợp xe được dán hoặc sơn ngụy trang bên ngoài xe thì phải đảm bảo không làm che khuất tầm nhìn của người lái xe qua kính chắn gió, gương chiếu hậu, không ảnh hưởng tới chức năng, hoạt động của đèn chiếu sáng, tín hiệu, cửa thoát hiểm.
Đáng chú ý, phải có dòng chữ "Xe chạy thử" phía trước và phía sau xe. Riêng đối với trường hợp rơ - moóc và sơ - mi rơ - moóc được kéo bởi xe ô tô hoặc máy kéo thì dòng chữ "Xe chạy thử" phải được gắn phía trước xe kéo và phía sau xe được kéo.
Đối với xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe máy chuyên dùng (trừ rơ - moóc, sơ - mi rơ - moóc được kéo bởi máy kéo), xe mô tô, xe gắn máy, Thông tư 52/2024 quy định khi chạy thử phải được trang bị thiết bị theo dõi hành trình đảm bảo ghi nhận được hành trình xe chạy, tốc độ xe chạy.
Đồng thời phải có camera hành trình đảm bảo ghi nhận hình ảnh phía trước và phía sau xe khi lưu thông trên đường (trừ xe mô tô, xe gắn máy chỉ cần trang bị camera hành trình đảm bảo ghi nhận hình ảnh phía trước xe). Các thiết bị này phải được hoạt động trong toàn bộ thời gian xe chạy thử trên đường.
Ngoài ra, trước khi chạy thử trên đường giao thông, xe phải được cơ sở nghiên cứu phát triển chạy thử trong đường nội bộ tối thiểu 10 km, kiểm tra xuất xưởng đạt yêu cầu và được cấp phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng.
Khi chất tải lên xe phải đảm bảo khối lượng toàn bộ của xe thực tế không được vượt quá khối lượng toàn bộ theo thiết kế của nhà sản xuất. Trong đó, số người trên xe không vượt quá số người tối đa cho phép chở, kể cả người lái xe theo quy định; chỉ được chở tải trọng giả; trang, thiết bị phục vụ cho việc chạy thử; trang, thiết bị ghi nhận thông tin, trạng thái kỹ thuật của xe. Các trang, thiết bị này phải được lắp đặt chắc chắn trong quá trình chạy thử trên đường.
Cuối cùng, xe phải được kiểm định ATKT & BVMT theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT.