Theo đó, số người tối đa cho phép chở, kể cả người lái xe khi chạy thử trên đường không được lớn hơn 5 người đối với xe ô tô khách hoặc 3 người đối với các loại xe ô tô khác, đồng thời không được vượt quá số người cho phép chở theo thiết kế của xe để đảm bảo an toàn kỹ thuật của xe chạy thử.
Đối với rơ - moóc, sơ - mi rơ - moóc, xe ô tô sử dụng để kéo rơ - moóc, sơ - mi rơ -moóc phải là xe đáp ứng điều kiện tham gia giao thông theo quy định, ngoài ra, không được phép chở hàng hóa (trừ trường hợp chở tải trọng giả) trên ô tô kéo rơ -moóc, sơ - mi rơ - moóc;
Khi chạy thử trên đường, tổng chiều dài của đoàn xe, tổng khối lượng của tổ hợp ô tô đầu kéo kéo sơ - mi rơ - moóc hoặc của tổ hợp xe ô tô thân liền kéo rơ - moóc, khối lượng toàn bộ phân bố lên từng trục của đoàn xe không được lớn hơn quy định về tải trọng, khổ giới hạn đường bộ của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Đối xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, số người tối đa cho phép chở, kể cả người lái xe khi chạy thử trên đường không lớn hơn 3 người và cũng không được vượt quá số người cho phép chở theo thiết kế của xe.
Đối với xe mô tô, xe gắn máy; xe máy chuyên dùng (trừ rơ - moóc, sơ - mi rơ - moóc được kéo bởi máy kéo), số người tối đa cho phép chở khi chạy thử trên đường không lớn hơn 2 người, kể cả người lái xe nhưng không được vượt quá số người cho phép chở theo thiết kế của xe.
Đối với rơ - moóc, sơ - mi rơ - moóc được kéo bởi máy kéo thì máy kéo sử dụng để kéo rơ - moóc, sơ - mi rơ - moóc phải là xe đáp ứng được điều kiện tham gia giao thông theo quy định. Không được được phép chở hàng hóa (trừ trường hợp chở tải trọng giả) trên máy kéo.
Riêng đối với xe nghiên cứu phát triển tính năng điều khiển tự động hóa toàn phần, phải đáp ứng thêm yêu cầu: Đã được chạy thử tại nước ngoài và đáp ứng được yêu cầu về an toàn kỹ thuật theo quy định của một trong các nước thành viên tham gia điều ước quốc tế liên quan đến phương tiện giao thông đường bộ mà Việt Nam là thành viên.
Thông tư 52 cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ sở nghiên cứu phát triển trong bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe nghiên cứu phát triển trong suốt quá trình sản xuất, lắp ráp, kiểm tra chất lượng xuất xưởng, chạy thử trên đường.
Chịu trách nhiệm về tính trung thực của: tài liệu thiết kế xe; kết quả kiểm tra chất lượng xuất xưởng, kết quả kiểm tra, đánh giá tình trạng của xe trước khi đưa xe chạy thử trên đường, trong các kỳ bảo dưỡng; nguồn gốc, xuất xứ của xe; phụ tùng sử dụng để sản xuất, lắp ráp xe.
Ngoài ra, khi bảo dưỡng định kỳ, cơ sở nghiên cứu phát triển phải kiểm tra và đảm bảo tình trạng của các tổng thành, hệ thống gồm: động cơ, lái, phanh, treo, vành, lốp xe, đèn chiếu sáng, tín hiệu hoạt động bình thường. Chu kỳ bảo dưỡng định kỳ theo quy định của cơ sở sản xuất xe nhưng không được dài hơn chu kỳ bảo dưỡng đối với xe cùng loại.
Mặt khác, phải lập và lưu trữ hồ sơ trong vòng tối thiểu 3 năm kể từ khi kết thúc việc chạy thử trên đường đối với mỗi xe nghiên cứu phát triển. Hồ sơ lưu trữ bao gồm: thiết kế xe; nguồn gốc xe, phụ tùng sử dụng để sản xuất, lắp ráp xe; kiểm tra chất lượng xuất xưởng; kết quả chạy thử trên đường nội bộ, chạy thử trên đường. Riêng dữ liệu vị trí và tốc độ thời gian phải lưu giữ tối thiểu 6 tháng, dữ liệu hình ảnh thời gian lưu giữ tối thiểu 7 ngày kể từ ngày kết thúc việc chạy thử.
Phía Cục Đăng kiểm VN, có trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng ATKT & BVMT đối với hoạt động sản xuất, lắp ráp và chạy thử trên đường của xe nghiên cứu phát triển. Thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất hoạt động chạy thử xe nghiên cứu phát triển.