Nhiều cây xăng đóng cửa bất thường

Gặp khó về nguồn cung ứng, nhiều cây xăng ở khu vực phía Nam như TPHCM, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai… phải tạm ngưng phục vụ.


Hết xăng


Sáng 6/10, Sở Công Thương TPHCM mở cuộc họp đột xuất với doanh nghiệp (DN) xăng dầu trên địa bàn thành phố, sau khi có thông tin Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Cần Giờ (TPHCM) xin nghỉ bán vì không còn nguồn hàng để duy trì hệ thống bán lẻ. Theo Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Cần Giờ, do là thương nhân phân phối nên không thể nhập khẩu được xăng dầu, phải thông qua các thương nhân nhập khẩu để mua và cung cấp cho hệ thống bán lẻ của mình. Gần đây, thị trường trong nước và thế giới diễn biến phức tạp dẫn đến nguồn cung bị gián đoạn, nên các đơn vị đầu mối đã ngừng cung cấp hàng cho công ty. “Do đó, công ty không còn nguồn hàng để đáp ứng duy trì hệ thống bán lẻ của mình và có thể sẽ tạm ngưng trong thời gian sắp tới”, công văn của công ty viết. Hệ thống bán lẻ của công ty gồm 17 cửa hàng trực thuộc và 36 đại lý.


Một cây xăng ở Bình Dương đóng cửa Ảnh: H.C

Ông Lục Văn Thủy, Trưởng phòng Quản lý thương mại - Sở Công Thương Đồng Nai, cho biết, trạm bán xăng dầu Thành Thái (TP Biên Hòa) xin ngừng kinh doanh do khó khăn và Sở Công Thương đã thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu đối với cơ sở này. Trước đó, ngày 4/10, các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai kiểm tra Trạm kinh doanh xăng dầu Gò Me (phường Thống Nhất, TP Biên Hòa) khi trạm xăng này ngưng bán hàng và treo bảng chờ nhập hàng.


Đại diện cơ sở kinh doanh xăng dầu Gò Me cho biết, trạm tạm ngưng bán hàng do lượng xăng dầu tại cơ sở đã hết, đang chờ xe vận chuyển từ kho đầu mối về và sẽ nhập hàng trong ngày. Lực lượng chức năng đã kiểm tra, đo các bồn chứa và xác định lượng xăng, dầu trong các bồn đã cạn. Theo các cơ quan chức năng, do dự báo giá xăng, dầu sẽ giảm mạnh chiều 3/10, nên có tình trạng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chờ đợi nhập xăng sau thời điểm công bố giá, dẫn đến tình trạng xăng, dầu nhập về cơ sở kinh doanh chậm trễ.


Tại Bình Dương những ngày qua, hàng loạt cửa hàng kinh doanh xăng dầu cũng treo biển hết xăng, gây khó khăn cho người dân, DN. Ông Trịnh Đình Tuấn, Phó giám đốc Công ty xăng dầu Sông Bé (Bình Dương) cho biết, nguồn cung xăng dầu trên địa bàn thiếu hụt nên áp lực đổ dồn về phía DN. Để đảm bảo cho cửa hàng xăng dầu hoạt động xuyên suốt, góp phần ổn định thị trường, tất cả các đầu mối, thương nhân phân phối trên địa bàn phải chung tay trong việc cung ứng nguồn cho hệ thống đại lý nhượng quyền thương mại của mình.


Theo các đại lý kinh doanh xăng dầu, để đảm bảo hòa vốn, mức chiết khấu phải từ 1.000 - 1.200 đồng/lít, bởi có rất nhiều chi phí như vận chuyển, thuê mặt bằng, nhân công, điện nước... Trong khi đó, mức chiết khấu của các thương nhân đầu mối thời gian qua chỉ từ 100 - 150 đồng/lít, thậm chí có lúc chỉ còn 80 đồng/lít.


Tại Bình Phước, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở huyện Bù Gia Mập, khu vực biên giới Campuchia treo bảng “hết xăng”. Cụ thể, dọc Quốc lộ 14C đoạn qua xã Đắk Ơ (huyện Bù Gia Mập) có 4 trạm xăng dầu treo bảng hết xăng. Theo lời các chủ cơ sở kinh doanh xăng dầu, họ đang chờ nhập xăng mới và điều chỉnh giá phù hợp nên có thời điểm phải tạm ngưng phục vụ. Đồng thời khẳng định sẽ phục vụ lại ngay khi có xăng, chứ không kéo dài. Tại một số điểm mở cửa, người dân chen nhau đổ đầy bình xe.


Nghỉ bán phải xin phép


Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, khẳng định, không có việc DN kinh doanh xăng dầu thiếu hàng xin nghỉ bán, mà DN chỉ thông báo khó khăn để tìm nguồn hàng cung ứng.


Trước tình trạng một số cây xăng báo “hết hàng”, ông Vũ cho rằng, do ảnh hưởng của mưa bão nên việc vận chuyển xăng dầu từ miền Trung vào TPHCM gặp khó khăn. Tình trạng thiếu hụt nguồn hàng xảy ra cục bộ, có một số cây xăng thiếu hàng nhưng chỉ tạm ngưng cung cấp dịch vụ trong thời gian ngắn, có thể chỉ vài giờ, sau đó mở cửa trở lại. Hiện nay, ở TPHCM, tình trạng này đã được khắc phục, Sở đã nắm được nguồn cung xăng dầu tương đối ổn so với giai đoạn trước. Theo quy định, cây xăng nào còn hàng mà không phục vụ, đóng cửa mà không xin phép thì sẽ bị xử phạt. “Theo quy định về kinh doanh xăng dầu, cửa hàng xăng dầu muốn ngừng bán phải thông báo bằng văn bản về thời gian ngừng bán và gửi Sở Công Thương, trong đó ghi rõ lý do ngừng bán. Đồng thời, DN chỉ được ngừng bán hàng sau khi được Sở Công Thương chấp thuận bằng văn bản”, ông Vũ nói.


Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị đã lập đoàn kiểm tra đối với 16 cơ sở kinh doanh xăng, dầu treo bảng hết xăng, tạm ngưng phục vụ. “Tại thời điểm kiểm tra, các cơ sở đều đưa ra được lý do gồm: đang tiếp nhiên liệu vào bồn, hết xăng còn dầu, tạm nghỉ để sửa chữa lại cửa hàng… không có dấu hiệu của việc găm hàng không bán”, bà Hà cho biết.

Ông Nguyễn Minh Hóa, Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước), cho hay, tình trạng các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn treo bảng hết xăng xảy ra từ ngày 3/10 đến nay. Một số cửa hàng ngay khi có xăng đã phục vụ người dân trở lại.


Đâu là lý do?
Đại diện Sở Công Thương TPHCM cho biết, trong số 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thành phố, thời gian qua ghi nhận 5-6 cửa hàng xin tạm ngưng trong thời gian sửa chữa, súc bồn, kiểm tra hệ thống PCCC... chưa có trường hợp xin tạm ngưng kinh doanh. Với các trường hợp này, Sở đã xác minh, kiểm tra các hạng mục sửa chữa và xem xét lại thời gian ngưng dưới 30 ngày theo quy định, có những trường hợp chỉ được chấp thuận ngưng từ 15 - 20 ngày.