Ngày về và quán cơm ân tình của tài xế container đâm xe Innova đi lùi trên cao tốc

Từ ngày mãn hạn tù, tài xế Lê Ngọc Hoàng làm đủ nghề mưu sinh, sau đó cùng một người bạn mở quán cơm bình dân với tâm nguyện trả nợ ân tình anh em lái xe.

11h trưa, từng hàng xe tải, container nối đuôi nhau lần lượt đỗ trước quán cơm bình dân ven Quốc lộ 5, đoạn qua phường Quang Trung, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Nghe tiếng khách, anh Lê Ngọc Hoàng, 37 tuổi, chủ quán, trên tay giấy bút, đon đả chạy ra đón tiếp và phục vụ.

"Một đĩa gà xào", "Một nồi lẩu cá tầm chua cay", "Một suất cơm bình dân" - cánh tài xế gọi món, rồi ổn định chỗ ngồi, chuyện trò và nghỉ ngơi sau một chặng đường dài. Có người lần đầu ghé quán, cũng có người mỗi lần đi qua Quốc lộ 5 đều dừng chân tại đây. 

"Tôi xem anh em tài xế như người nhà, mỗi lần gặp gỡ đều tay bắt mặt mừng, ôm chầm lấy nhau", anh Hoàng nói quán cơm này mở ra với sứ mệnh tri ân, cảm ơn lái xe khắp cả nước - những người đã giúp đỡ anh trong nhiều năm qua và đang tiếp tục ủng hộ anh trên hành trình mới.

Bản thân anh cũng là tài xế container, do vướng lao lý trong vụ đâm xe Innova đi lùi trên cao tốc năm 2016, đã chịu bản án 4 năm 6 tháng. Sau khi mãn hạn tù, người đàn ông quyết định làm lại cuộc đời.

Ngày về mở quán cơm của tài xế container đâm xe Innova đi lùi trên cao tốc - 1
Khung cảnh quán cơm bình dân ven Quốc lộ 5 đi qua địa bàn TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương của anh Lê Ngọc Hoàng.

Quán cơm ân tình tài xế

Cách đây hai tháng, quán cơm của anh Hoàng và người bạn lâu năm Phạm Xuân Trì (36 tuổi, chủ một doanh nghiệp vận tải ở Hải Dương) chính thức khai trương. Từ đó, một ngày của anh bắt đầu từ 6h sáng, bằng việc đi chợ lựa chọn cẩn thận những thực phẩm tươi ngon, đa dạng thực đơn. 

Do không đủ chi phí thuê nhiều nhân viên, anh vừa là quản lý, phụ bếp sơ chế, thu ngân, vừa bưng bê, phục vụ gọi món, kiêm trông xe, sửa lốp…

Chuẩn bị 3 tiếng, từ 10h trưa, quán cơm đón những vị khách đầu tiên trong ngày, chủ yếu khách vãng lai. Một tiếng sau, cánh tài xế mới bắt đầu kéo đến đông đúc, phủ kín các bàn. 

Quán cơm bình dân chiều lòng anh em lái xe nhờ có khu vệ sinh sạch sẽ, tắm rửa nóng lạnh, phòng ngủ miễn phí - điều mà không phải "quán cơm xe tải" nào cũng đáp ứng. Bên cạnh đó, anh Hoàng còn dành riêng một không gian nhỏ chuyên kiểm tra lốp cho các phương tiện, sẵn sàng sửa chữa lưu động, cứu hộ 24/7.

"Tôi từng ghé nhiều hàng cơm xe tải, nhưng chưa ở đâu mang đến cảm giác đặc biệt như ở đây", lần đầu đến quán cơm của anh Hoàng, chị Nguyễn Thị Hằng (35 tuổi, Hà Nội) ngạc nhiên khi các tài xế gặp nhau ai nấy đều vui vẻ, hòa đồng và thân thiết như một gia đình. Từ bàn này qua bàn kia, chị thấy họ hỏi thăm, quan tâm và nói chuyện thân tình. 

Nhận xét nhà hàng sạch sẽ, đồ ăn chế biến nhanh và tươi ngon, giá thành hợp lý, chất lượng dịch vụ tốt, chị Hằng cho hay nếu có lần sau chắc chắn sẽ tiếp tục ủng hộ tài xế Hoàng.

"Vụ án lùi xe trên cao tốc từng gây xôn xao nhiều năm qua, đúng - sai đã có pháp luật giải quyết. Ai cũng có lỗi lầm, quan trọng là hành động thiết thực khi quay về với xã hội, như anh Hoàng đã mở một quán cơm phục vụ xã hội và tri ân anh em lái xe", chị Hằng nói.

Ngày về mở quán cơm của tài xế container đâm xe Innova đi lùi trên cao tốc - 2
Hai tài xế Nguyễn Viết Quang (bên trái) và Nguyễn Minh Ngọc thưởng thức món lẩu cá tầm chua cay.

Trong khi chờ món lẩu cá tầm chua cay, anh Nguyễn Viết Quang (46 tuổi), tài xế container tuyến Hải Phòng - các tỉnh miền Bắc, kể lại cơ duyên quen biết đồng nghiệp Lê Ngọc Hoàng thông qua các hội nhóm lái xe trên Facebook cách đây nhiều năm. 

Cùng là tài xế, họ gắn bó và thấu hiểu những khó khăn, vất vả "không thể lường trước" trên từng cung đường. "Chúng tôi tìm thấy nhau trong sự đồng cảm và gian lao, từ đó nương tựa cùng làm nghề", anh Quang nói. 

Biết đồng nghiệp mở nhà hàng sau mãn hạn tù, anh Quang tìm đến ủng hộ, mong muốn giúp người bạn vượt qua khủng hoảng ban đầu hòa nhập xã hội. 

"Hơn ai hết, Hoàng là người hiểu anh em lái xe nhất, cả những khó khăn lẫn niềm vui cuộc sống. Để đảm bảo sức khỏe chạy xe suốt một ngày dài, với chúng tôi, bữa cơm trưa - tối vô cùng quan trọng. Nếu đồ ăn không được chế biến sạch sẽ có thể gây đau bụng, ảnh hưởng công việc. Hoàng tự hiểu và khắc phục tất cả, thậm chí điều chỉnh giá cả hợp lý", dứt câu, anh Quang quay sang nếm thử món lẩu cá rồi tấm tắc khen ngon. 

Ngồi đối diện, tài xế container Nguyễn Minh Ngọc (38 tuổi), nói quán cơm của anh Hoàng là nơi hội ngộ của giới tài xế. Họ đến đây không chỉ vì bữa ăn, mà còn là những cuộc gặp gỡ tuy chớp nhoáng nhưng thân tình.  

Ngày về mở quán cơm của tài xế container đâm xe Innova đi lùi trên cao tốc - 3
Ngày về mở quán cơm của tài xế container đâm xe Innova đi lùi trên cao tốc - 4
Ngày về mở quán cơm của tài xế container đâm xe Innova đi lùi trên cao tốc - 5


Anh Phạm Xuân Trì nhớ lại những ngày đầu tài xế Hoàng mãn hạn tù, trở về quê hương lặn lội tìm việc khắp nơi, nợ nần chồng chất, nên đã rủ cùng mở quán cơm. Nếu anh Trì hỗ trợ tài chính, thuê mặt bằng, thì anh Hoàng đóng góp công sức quản lý và phụ các công việc chính của nhà hàng.

"Chúng tôi quen nhau từ lâu, trước cả khi Hoàng gặp nạn. Những ngày Hoàng trong trại giam, tôi đều cố gắng thăm nom. Ngày em ấy về, chúng tôi bảo ban nhau cố gắng làm ăn, trang trải cuộc sống", anh Trì nói. 

Sau giờ làm, hai người đàn ông cùng ngồi xuống tâm sự và động viên lẫn nhau. Anh Hoàng nhiều lần trăn trở liệu nhà hàng có sinh lãi hay không? Mặc những khó khăn, anh thầm cảm ơn người bạn chí cốt đã cùng thực hiện đúng tâm nguyện mở quán cơm xe tải - như một lời cảm ơn chân thành đến anh em tài xế. 

"Cứ như thế, chúng tôi vẫn tiếp tục công việc này, duy trì nhà hàng đến lúc nào hay lúc đó", tài xế Hoàng trải lòng. 

Nhiều lúc đêm muộn, chưa kịp nghỉ ngơi sau khi dọn dẹp nhà hàng, nhận tin báo anh em lái xe gặp sự cố (hỏng hóc, thủng, nổ lốp) trên đường, cả hai vội đến cứu hộ, miễn trong bán kính 10 - 20km. 

"Bất kể khi nào anh em gọi, chúng tôi sẽ lên đường. Vì cũng từng là tài xế, tôi hiểu những khó khăn, vất vả nếu không may xe bị sự cố", anh Hoàng nói.

Ngày về mở quán cơm của tài xế container đâm xe Innova đi lùi trên cao tốc - 6
Anh Phạm Xuân Trì (36 tuổi, chủ một doanh nghiệp vận tải ở Hải Dương) - người bạn lâu năm của tài xế Lê Ngọc Hoàng.
Ngày về mở quán cơm của tài xế container đâm xe Innova đi lùi trên cao tốc - 7
Bên cạnh quán cơm, anh Hoàng dành góc nhỏ sửa chữa, kiểm tra lốp xe cho anh em lái xe.

Những day dứt vẫn đeo bám sau bản án

Dù bước đầu có những hướng mưu sinh mới, tài xế Lê Ngọc Hoàng vẫn còn những day dứt trong lòng. Đó là khoản nợ khổng lồ sau vụ tai nạn, là việc thăm hỏi gia đình các nạn nhân, là gánh nặng lo cho gia đình và hai người con trai, trong đó một bé bị hỏng gần một bên mắt. 

"Vụ tai nạn năm xưa khiến 5 người tử vong. Mãn hạn tù, tôi đến thăm họ, có gia đình thông cảm, nhưng cũng có người nghĩ khác...", anh kể. 

Nhớ lại cơ duyên hành nghề lái xe container, tài xế Hoàng cho biết sau nhiều năm làm đủ nghề mưu sinh, anh học lái xe vừa nuôi sống gia đình vừa thỏa mãn mong ước "đi đây đi đó".

"Nhưng làm rồi mới biết công việc này rất vất vả", những ngày đầu mới chạy xe, nam tài xế như... vỡ mộng.

Ngày về mở quán cơm của tài xế container đâm xe Innova đi lùi trên cao tốc - 8
Hiện trường vụ tai nạn năm 2016 tại cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên khiến 5 người tử vong.

Năm 2014, sau sinh con trai thứ hai, anh và vợ là chị Vũ Thị Thúy bàn tính vay tiền người thân và ngân hàng mua trả góp xe container giá hơn 1,7 tỷ đồng. Anh tính toán, với kinh nghiệm 10 năm làm tài xế container, chỉ 5 năm sau, sẽ hoàn trả được lãi vay mua xe. Nhưng mới trả được hơn 400 triệu đồng thì tai nạn xảy ra.

Theo đó, sáng 19/11/2016, tài xế Ngô Văn Sơn (SN 1978, ở Bắc Ninh) điều khiển xe Innova chở 10 người từ Bắc Ninh lên TP Thái Nguyên ăn cưới. Chiều cùng ngày, Sơn lái xe chạy quá nút giao Yên Bình (thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) nên điều khiển xe lùi lại để đi ra nút giao.

Đúng lúc này, tài xế Lê Ngọc Hoàng điều khiển chiếc xe đầu kéo kéo theo rơ-moóc đi thuận chiều trên cao tốc với tốc độ 60 - 65 km/giờ. Khi đến gần nút giao, thấy chiếc Innova phía trước đang bật đèn phanh đỏ, tài xế Hoàng không phanh giảm tốc mà quan sát gương chiếu hậu. Do phía sau có ô tô khác đang vượt lên, Hoàng không thể chuyển làn nên đã tông vào đuôi chiếc Innova.

Vụ tai nạn khiến 5 người tử vong, 5 người còn lại bị thương, tài xế Hoàng bị bắt giữ ngay sau đó.

Đây là vụ án gây nhiều tranh cãi suốt 3 năm (2017 - 2020), trải qua 9 phiên sơ thẩm, bốn lần phúc thẩm và một lần giám đốc thẩm. Theo bản án, Hoàng có lỗi điều khiển phương tiện tham gia giao thông không tuân thủ quy định về tốc độ, không giảm tốc độ khi gặp biển cảnh báo "Đi chậm". Quá trình điều tra và trước tòa, Hoàng không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng Hội đồng xét xử nhận thấy có đủ căn cứ xác định nam tài xế có một phần lỗi trong vụ án này.

Tháng 2/2020, TAND thị xã Phổ Yên tuyên phạt tài xế Lê Ngọc Hoàng 4 năm 6 tháng tù về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ".

Ngày về mở quán cơm của tài xế container đâm xe Innova đi lùi trên cao tốc - 9
Tài xế Lê Ngọc Hoàng (bên phải) tại phiên tòa phúc thẩm năm 2020. (Ảnh: Nguyễn Trường).

Ngày 17/8/2021, anh mãn hạn tù, trở về bên gia đình nhưng thấy bản thân "không còn gì", "cuộc sống quá khác biệt và nhiều khó khăn". 

"Gần 5 năm trong tù, đầu óc cũng không được nhanh nhẹn. Tôi cảm thấy bản thân quá chậm so với xã hội", anh thừa nhận.

Nam tài xế cho hay, để kiếm sống, anh hỗ trợ vợ bán hàng online các sản phẩm tẩy rửa. Đầu tháng 12/2021, thông qua cộng đồng mạng, anh được một chủ nhà hàng ở Hải Phòng gọi lên cửa khẩu Lạng Sơn trông xe container. Kể từ đó, bất cứ công việc nào, chỉ cần có người gọi, anh đều thử làm và trải nghiệm, lang bạt khắp các tỉnh thành phía Bắc để quen dần với cuộc sống mới. Mãi đến tháng 10/2022, anh cùng người bạn mở quán cơm tại Hải Dương, cuộc sống nhờ đó cũng dần ổn định. 

Anh nhớ lại thời điểm trước khi vào tù, đã dặn vợ ghi chép tất cả sự giúp đỡ của mọi người vào một cuốn sổ, để sau này có cơ hội sẽ trả ơn cuộc đời. Anh quan niệm "cuộc sống này có vay có trả", kể cả những người giúp đỡ 20.000, 50.000 đồng, anh đều biết ơn. Cuốn sổ do đó dày đến nỗi anh không thể nhớ hết từng cái tên, nhưng chưa lúc nào dám quên ân tình. 

"Dù đã nói cảm ơn anh em tài xế nhiều lần, nhưng chưa bao giờ là đủ", người đàn ông trầm ngâm.

Trước mắt, tài xế Hoàng quyết định giã từ sự nghiệp vô lăng. Trong mỗi cuộc nói chuyện với đồng nghiệp, anh đều dặn họ đề cao sự cẩn thận, điều khiển phương tiện chậm rãi và thong thả. Là người từng trải, anh hiểu nghề lái xe luôn song hành với những rủi ro, nguy hiểm, đánh đổi sức khỏe, thậm chí cả tính mạng.

Theo anh, chỉ những ai thực sự yêu nghề, mới có thể sống được bằng nghề. 

Ngày về mở quán cơm của tài xế container đâm xe Innova đi lùi trên cao tốc - 10
Anh Hoàng mở quán cơm bình dân với tâm nguyện trả nợ ân tình anh em lái xe đã giúp đỡ nhiều năm qua.

"Mục tiêu sống của tôi là gia đình"

Sau những biến cố đeo đẳng 5 năm qua, mục tiêu sống duy nhất hiện tại của tài xế Lê Ngọc Hoàng là gia đình.

"Nếu không có gia đình níu kéo, chưa chắc tôi đã được như ngày hôm nay", anh nói.

Từ ngày rời quê hương Thái Bình đến Hải Dương lập nghiệp với quán cơm, anh chấp nhận chăm sóc vợ và hai con trai (8 và 12 tuổi) từ xa. Chị Thúy thương chồng vất vả, ngoài kinh doanh online còn bán thêm hoa quả. 

Ngày chồng về, chị Thúy có điểm tựa, trả lại nhiệm vụ trụ cột gia đình cho anh Hoàng. Họ tập trung làm việc và chăm sóc hai con. Chị mong anh khỏe mạnh, giữ vững tâm lý thoải mái. Với chị, gia đình đoàn tụ là điều hạnh phúc nhất, không quá đặt nặng vấn đề kinh tế. 

Còn với anh Hoàng, quán cơm bình dân sẽ là nơi giúp anh xóa đi những day dứt. Anh nói sẽ cố gắng làm việc chăm chỉ, kiếm tiền trả dần những món nợ vật chất và ân tình, có thêm điều kiện thăm hỏi gia đình các nạn nhân.

Sau cùng, anh mong muốn bù đắp sự thiếu vắng gần 5 năm qua cho vợ và hai con, đặc biệt giúp con trai lớn 12 tuổi không mất đi ánh sáng. Đứa trẻ không may mắc căn bệnh bẩm sinh về mắt khiến thị lực mờ dần, phải đeo kính hỗ trợ. Do không được phát hiện kịp thời dù cơ hội hồi phục là 70 - 80%, cậu đứng trước nguy cơ hỏng hoàn toàn một bên mắt. 

"Khi tôi đi, con chỉ mới 4 tuổi. Khi tôi về, con đã lớn khôn. Quãng thời gian tôi thi hành án, vợ phải một mình quán xuyến mọi việc, không thể quan tâm, chăm sóc con cẩn thận. Giờ nhìn mắt con mờ dần, tôi đau đớn, tự trách bản thân, nhưng biết rằng trên đời này không có giá như…", nam tài xế gạt dòng nước mắt, khẳng định sẽ luôn nỗ lực làm lại cuộc đời, trả nợ tất cả ân tình.