Mua xe cũ nhưng chưa sang tên, thủ tục đăng kiểm thế nào?

Thủ tục đăng kiểm xe khi ô tô chưa sang tên

Đường dây nóng Báo Giao thông nhận được câu hỏi của bạn đọc thắc mắc về việc khi mua ô tô cũ nhưng chưa sang tên, thủ tục đăng kiểm xe có gì khác biệt hay không?

Ô tô chưa sang tên có thủ tục đăng kiểm không khác so với quy định chung về đăng kiểm xe cơ giới.

Về vấn đề này, ông Trần Quốc Hoan, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đăng kiểm 2903V (Hà Nội) cho biết, quy định hiện hành không bắt buộc chủ xe phải đưa ô tô đến trung tâm đăng kiểm để kiểm định.

Do đó, trung tâm đăng kiểm cũng không xác minh việc ô tô đã sang tên hay không khi kiểm định xe, điều này cũng không ảnh hưởng đến an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới. Như vậy, thủ tục đăng kiểm xe ô tô chưa sang tên không thay đổi, vẫn tuân thủ quy định chung về đăng kiểm xe cơ giới.

Ông Hoan cho biết thêm, với các phương tiện đăng kiểm định kỳ, khi đưa xe đi đăng kiểm, chủ xe hoặc lái xe cần hai loại giấy tờ gồm: Giấy đăng ký xe (Bản chính, giấy biên nhận thế chấp bản chính tại tổ chức tín dụng, hoặc giấy hẹn cấp đăng ký xe) và trường hợp xe mới cải tạo, chủ xe cơ giới phải nộp kèm bản chính giấy chứng nhận kiểm định cải tạo xe.

Đối với ô tô đăng kiểm lần đầu hoặc miễn đăng kiểm lần đầu, chủ sở hữu hoặc người được uỷ quyền chỉ cần chuẩn bị những loại giấy tờ như: Giấy đăng ký xe (Bản chính hoặc giấy biên nhận giữ bản chính đang thế chấp của tổ chức tín dụng hoặc giấy hẹn cấp đăng ký xe); Bản sao Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của xe sản xuất, lắp ráp trong nước (ngoại trừ xe cơ giới thanh lý) để làm thủ tục lập hồ sơ phương tiện.

Trường hợp xe cơ giới mới cải tạo, chủ xe cơ giới cần nộp bản chính chứng nhận kiểm định cải tạo.

Hiện nay, xe ô tô kinh doanh vận tải đạt chất lượng kiểm định được dán Tem kiểm định có nền màu vàng phía trên và xanh lá cây phía dưới. Trong khi đó, xe không kinh doanh vận tải có nền màu xanh dương phía trên và xanh lá cây phía dưới nhằm phân biệt hai loại xe nêu trên.

Mua xe cũ nhưng chưa sang tên, thủ tục đăng kiểm thế nào?- Ảnh 2.

Chủ xe cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết, bảo dưỡng xe trước khi đi đăng kiểm để tránh mất thời gian.

Đưa xe đi đăng kiểm, chủ xe cần lưu ý gì?

Khi đi đăng kiểm ô tô, ngoài giá dịch vụ đăng kiểm, lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm và Tem kiểm định, chủ xe còn phải nộp thêm phí bảo trì đường bộ.

Thông thường để tránh mất thời gian, chủ xe nên nộp phí bảo trì đường bộ theo thời gian chu kỳ đăng kiểm phương tiện đó. Ví dụ xe dưới 9 chỗ đăng kiểm lần đầu có chu kỳ đăng kiểm 36 tháng, chủ xe nên nộp phí bảo trì đường bộ 36 tháng.

Ngoài ra, ông Hoan cho biết, khi đi đăng kiểm ô tô, chủ xe (lái xe) nên chuẩn bị đầy đủ tất cả các loại giấy tờ cần thiết phục vụ cho việc đăng kiểm để tránh mất thời gian. Bên cạnh đó trước khi đi đăng kiểm, chủ xe nên đưa chiếc xe đi bảo dưỡng trước, tránh tình trạng có hạng mục do lâu không sửa chữa, bảo dưỡng dẫn đến không đạt phải quay đầu đi sửa và đăng kiểm lại.

Theo quy định, chủ xe phải chịu trách nhiệm duy trì tình trạng kỹ thuật của phương tiện theo tiêu chuẩn quy định khi tham gia giao thông đường bộ giữa hai kỳ kiểm định.

Theo các trung tâm đăng kiểm, hiện nay, lỗi kỹ thuật khiến xe bị "trượt" đăng kiểm chiếm tỷ lệ cao nhất là về hệ thống phanh, lái. Ngoài ra, chủ xe, lái xe có thể chủ động nhận biết, khắc phục các khiếm khuyết có thể thấy bằng mắt thường như lốp (mòn, rách), đèn pha, xi nhan, cần gạt nước, dây đai an toàn, kính.

Bên cạnh đó, chủ xe cũng cần tra cứu phạt nguội để xử lý trước khi đưa xe đi đăng kiểm để tránh trường hợp phải quay đầu.

Theo Cục Đăng kiểm VN, công tác kiểm định về chất lượng xe là quy định bắt buộc đối với các loại phương tiện cơ giới đường bộ khi lưu thông trên đường nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân tài xế và cả những người tham gia giao thông khác.