Mòn mỏi chờ tiền thu hộ lệ phí đăng kiểm, gỡ thế nào?

Hai năm chưa nhận được tiền chi trả

Theo Thông tư số 199/2016 của Bộ Tài chính (quy định thu, nộp, quản lý lệ phí giấy chứng nhận kiểm định, có hiệu lực từ năm 2017), xe ô tô khi đăng kiểm phải nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm (100.000 đồng/xe con, 50.000 đồng/xe tải; từ tháng 1 - 6/2022 được giảm 50% do ảnh hưởng của dịch Covid-19).

Trung tâm đăng kiểm thu, nộp toàn bộ khoản tiền này vào ngân sách địa phương và được ngân sách cấp lại tối đa 20% để phục vụ trang trải chi phí (hồ sơ, phôi giấy chứng nhận, văn phòng phẩm, vật tư…).

Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 26-01D Sơn La cho biết: “Hai năm nay, đơn vị chưa được ngân sách địa phương chi trả số tiền 500 triệu đồng.

Chúng tôi đã thực hiện đủ các thủ tục, làm việc với Sở GTVT, Tài chính và Kho bạc Nhà nước ở địa phương nhưng chưa biết khi nào được chi trả. Các cơ quan này cho biết phải chờ văn bản hướng dẫn”.

Tương tự, một số đơn vị đăng kiểm ở Hải Phòng như: Trung tâm đăng kiểm số 15-03D và 4 đơn vị đăng kiểm khác đến nay chưa nhận được khoản tiền trên. “Các đơn vị đều nộp đủ khoản lệ phí vào ngân sách và làm thủ tục nhưng chờ mãi không thấy.

Chúng tôi có văn bản gửi các sở, ngành chức năng của thành phố, Bộ Tài chính nhưng chưa biết khi nào được giải quyết và cũng không rõ vướng mắc ở đâu”, giám đốc một đơn vị phản ánh và thắc mắc.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, các đơn vị đăng kiểm tại Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh cho biết, tuy thủ tục chi mỗi địa phương một khác (nơi chi trả qua cấp huyện, nơi cấp tỉnh) nhưng đều được chi trả 15 - 20% tổng số tiền lệ phí thu được.

Nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ

Phòng Tài chính, Cục Đăng kiểm VN xác nhận, từ khi thực hiện Thông tư số 199/2016 của Bộ Tài chính đến nay, một số đơn vị đăng kiểm hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân đã nộp 100% tiền thu lệ phí cấp giấy chứng nhận vào ngân sách Nhà nước nhưng chưa nhận được tiền chi trả.

Nguyên nhân do khi áp dụng Thông tư số 199/2016 nảy sinh vướng mắc, bất cập đối với trung tâm đăng kiểm hoạt động theo mô hình xã hội hóa đầu tư.

Cụ thể, Thông tư quy định các trung tâm đăng kiểm thuộc Sở GTVT và theo mô hình công ty đều được chi trả ở mức tối đa 20% số tiền lệ phí thu được. Các đơn vị phải lập dự toán, gửi Sở GTVT địa phương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bất cập nảy sinh là tiền chi trả từ ngân sách Nhà nước, nên theo quy định hiện hành, đơn vị đăng kiểm phải có mã quan hệ ngân sách Nhà nước.

Trong khi đó, đơn vị đăng kiểm tư nhân (thuộc diện) không có mã quan hệ ngân sách nên không giao được dự toán để cấp phát lại tiền từ ngân sách.

Các địa phương khi áp dụng đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch gặp lúng túng vì phải xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở đấu thầu, đặt hàng.

Một số sở GTVT hiện giải quyết bằng cách ký hợp đồng với đơn vị đăng kiểm, song cũng chủ yếu mang tính vận dụng để giải quyết. Còn để giải quyết thấu đáo vẫn phải có hướng dẫn thống nhất.

Về giải pháp, theo đề xuất của Cục Đăng kiểm VN, việc cấp giấy chứng nhận đăng kiểm được coi là công việc thuộc quy trình kiểm định phương tiện. Đề xuất này hiện đang lấy ý kiến các sở GTVT, đơn vị đăng kiểm trên toàn quốc.

Theo đó, chi phí cho công việc này là 10.000 đồng/giấy chứng nhận đăng kiểm, được bổ sung vào giá dịch vụ đăng kiểm (quy định tại Thông tư số 238/2016 của Bộ Tài chính).

Ví dụ, hiện giá dịch vụ đăng kiểm xe ô tô con là 240.000 đồng/lần được điều chỉnh thành 250.0000 đồng/lần; giá đăng kiểm xe tải trên 20 tấn hiện là 560.000 đồng/lần, được điều chỉnh thành 570.000 đồng/lần.

“Đây chỉ là một trong những phương án được đề xuất để lấy ý kiến nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập trên. Cũng có ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh giá dịch vụ đăng kiểm là không đúng đối tượng mà cần điều chỉnh quy định về lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm”, lãnh đạo Phòng Tài chính, Cục Đăng kiểm cho biết.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, các đơn vị đăng kiểm cũng có ý kiến khác nhau về đề xuất trên. Một số đơn vị gặp khó khăn trong việc nhận chi trả cho rằng, số tiền nhận được theo phương án trên tuy thấp hơn mức tối đa 20% theo quy định hiện nay nhưng “ít còn hơn không”.

Ngược lại, giám đốc một đơn vị đăng kiểm khác cho biết, so với hiện nay, phương án trên giúp các đơn vị đăng kiểm bớt công sức, thủ tục, thời gian, chi phí làm hồ sơ, báo cáo…

Tuy nhiên, nếu điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định tăng 10.000 đồng để thay cho khoản trích lại (tối đa) 20% tiền thu hộ lệ phí sẽ không đủ bù đắp chi phí.

Bởi, thực tế phải xuất toán hóa đơn 10% nên chỉ còn 9.000 đồng/giấy, trong khi riêng tiền mua phôi giấy đăng kiểm mất 5.000 đồng/giấy, số còn lại chỉ 4.000 đồng/giấy là không đủ trang trải các chi phí”.