Đường dây nóng của Báo Giao thông nhận được câu hỏi từ bạn đọc về việc hàng ghế phía sau ô tô 5 chỗ bị mất một chiếc khóa cài dây đai an toàn, liệu khi đăng kiểm có bị trượt hay không?
Về vấn đề này, lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội cho biết, theo Thông tư 08/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, ở hạng mục kiểm tra dây đai an toàn, nếu không đầy đủ theo quy định, lắp đặt không chắc chắn sẽ là lỗi hư hỏng, khiếm khuyết quan trọng (MaD).
Do đó, ô tô sẽ bị trượt hạng mục kiểm tra này và sẽ không được cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm, Tem kiểm định, buộc chủ xe phải đưa ô tô đi khắc phục để kiểm định lại. Đây cũng chính là trường hợp bạn đọc Báo Giao thông hỏi.
Ngoài ra, theo lãnh đạo trung tâm đăng kiểm này, tại Thông tư 08/2023 còn quy định, nếu dây đai an toàn bị rách, đứt; bị kẹt, không kéo ra, thu vào được; cơ cấu hãm không giữ chặt dây khi giật dây đột ngột cũng là các lỗi hư hỏng, khiếm khuyết quan trọng và đều bị trượt khi đăng kiểm xe.
Do đó, tuy nhỏ và đơn giản so với nhiều trang bị khác trên xe nhưng chủ xe cần hết sức lưu ý kiểm tra kỹ càng trước khi đưa xe đi đăng kiểm, tránh tình trạng vẫn bị mất chi phí giá dịch vụ kiểm định xe mà lại phải quay đầu về khắc phục để kiểm định lại.
Dây đai an toàn trên ô tô là một giải pháp cực kỳ hữu ích được trang bị trên ô tô. Đai an toàn làm giảm khả năng tử vong hoặc chấn thương nghiêm trọng cho người ngồi trên xe ô tô khi xảy ra va chạm giao thông.
Một thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ ra rằng, khi xảy ra tai nạn giao thông, người ngồi ghế trước sẽ giảm 45-50% nguy cơ tử vong, 20-45% nguy cơ bị thương nghiêm trọng nếu thắt dây an toàn. Đối với người ngồi hàng ghế sau, việc thắt dây an toàn cũng giúp giảm đến 25-75% nguy cơ tử vong và bị thương. Hiện có 111 quốc gia có quy định về dây an toàn với tất cả hành khách trên ô tô.
Theo PGS.TS Nguyễn Thành Công, Bộ môn Cơ khí Ô tô Đại học GTVT, đai an toàn giúp giảm lực tác động thứ cấp với các nguy cơ va chạm bên trong, bằng cách giữ cho người ngồi ở vị trí chính xác để túi khí có hiệu quả tối đa, ngăn người ngồi trong xe bị đẩy ra khỏi xe khi va chạm hoặc nếu xe bị lật; không bị nhào người va đập về phía trước khi va chạm hoặc dừng xe đột ngột, giúp giảm thiểu chấn thương.
"Dựa trên cảm biến va chạm, thông tin được truyền tới bộ điều khiển dây đai để tự động siết chặt khi có va chạm xảy ra, nhờ đó có thể giữ chắc cơ thể không bị văng khỏi ghế và va đập vào các bộ phận của xe cũng như người ngồi bên cạnh", một chuyên gia ô tô nói thêm.
Mặt khác, túi khí và dây an toàn ô tô là hai bộ phận hoạt động độc lập riêng biệt nhưng đều có tác dụng bảo vệ tài xế khi gặp sự cố.
Tuy nhiên nhiều thí nghiệm thực tiễn cho thấy, túi khí có thể không đạt được hiệu quả như mong muốn nếu người điều khiển xe không thắt dây an toàn. Bởi khi gặp sự cố, dù túi khí có bung thì tài xế vẫn có thể bị văng ra ngoài hoặc va đập với các bộ phận trong xe. Do vậy, việc thắt dây đai ô tô là rất cần thiết để bộ phận này cùng túi khí có thể hỗ trợ nhau, phát huy tối đa tác dụng khi cần.
Tuy nhiên, hiện nay lại có rất nhiều người chủ quan và coi thường tầm quan trọng của dây an toàn và không sử dụng hoặc "đánh lừa" bằng các thiết bị gài chốt khóa để khỏi bị làm phiền bởi tín hiệu cảnh báo.
Điều này đã vô tình làm giảm độ an toàn cho chính bản thân mình khi sử dụng xe vì nhờ thắt dây an toàn mà khi xảy ra tai nạn hay va chạm nó sẽ giúp giảm tổn thương vì sự va đập của cơ thể và xe với nhau hơn.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi không thắt dây an toàn khi điều khiển xe ô tô trên đường.
Phạt từ 300 – 500 nghìn đồng đối với người được chở trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy trên đường; phạt từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy.