Hầu hết thị trường chứng khoán ở châu Á đi lên trong chiều 6/10

Chứng khoán châu Á hầu hết tăng trong phiên 6/10, khi giới đầu tư nỗ lực kéo dài đà tăng cho chứng khoán toàn cầu trong tuần này.


Bảng điện tử thông báo chỉ số Nikkei 225 tại thị trường chứng khoán Tokyo. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Bảng điện tử thông báo chỉ số Nikkei 225 tại thị trường chứng khoán Tokyo. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN


Tuy nhiên, những lo ngại về tác động từ quyết định cắt giảm mạnh sản lượng dầu đối với lạm phát đã giảm bớt hy vọng rằng các ngân hàng trung ương có thể sớm thu hẹp chiến dịch tăng lãi suất.


Phiên này, chứng khoán Nhật Bản tăng cao hơn với các nhà đầu tư được khuyến khích bởi hy vọng mới bùng lên về việc nước này chuyển đổi khỏi xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ. Chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Tokyo đã tiến 0,7% (tương đương 190,77 điểm) và kết thúc ở mức 27.311,30 điểm


Chứng khoán Hàn Quốc đã kéo dài chuỗi tăng sang phiên thứ ba liên tiếp, khi giới đầu tư lựa chọn nhóm cổ phiếu công nghệ có giá trị vốn hóa lớn với hy vọng ngành công nghiệp bán dẫn sẽ phục hồi. Chỉ số Kospi tại Seoul phiên này cộng thêm 1,02% (22,64 điểm) và khép phiên ở mức 2.237,86 điểm.


Tại Trung Quốc, chứng khoán Hong Kong giảm chủ yếu do hoạt động chốt lời sau khi tăng vọt gần 6% vào ngày hôm trước. Chỉ số Hang Seng giảm 0,42% (75,82 điểm) xuống 18.012,15 điểm trong phiên này. Thị trường Thượng Hải vẫn đóng cửa nghỉ lễ.


Các thị trường Sydney, Singapore, Taipei, Mumbai, Bangkok và Jakarta đều tăng trở lại. Ngược lại, chứng khoán Sydney và Manila đi xuống.


Tâm trạng trên các sàn giao dịch đã nhẹ nhàng hơn một chút trong tuần này, giúp các chỉ số chứng khoán tăng giá và đè nặng lên đồng USD sau khi những số liệu yếu ớt về hoạt động của các nhà máy ở Mỹ và tỷ lệ việc làm đăng tuyển dấy lên suy đoán rằng động thái thắt chặt lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tác động lên nền kinh tế.


Nhưng sự tự tin đó đã giảm mạnh vào ngày 5/10, khi số liệu về hoạt động tuyển dụng tư nhân tốt hơn dự kiến. Bên cạnh đó, một báo cáo cho thấy hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ chủ chốt của Mỹ đang khả quan hơn dự kiến cũng khiến giới giao dịch thận trọng hơn.


Đáng chú ý, số liệu mới nhất của Mỹ được đưa ra khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn khác do Nga đứng đầu (nhóm OPEC+) quyết định cắt giảm sản lượng tới 2 triệu thùng/ngày - mức giảm lớn nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.


Tin tức này đã khiến các hợp đồng dầu tiêu chuẩn tăng hơn 1%, đồng thời làm dấy lên lo ngại rằng chi phí năng lượng - nguyên nhân chính khiến lạm phát toàn cầu tăng vọt kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát - sẽ tăng cao trở lại.


Trong nhiều tuần qua, giới chức Fed khẳng định rằng họ sẽ không thay đổi quan đểm về việc nâng chi phí đi vay cho đến khi giá cả được điều chỉnh - ngay cả với cái giá là nền kinh tế rơi vào suy thoái. Họ cũng cảnh báo các nhà giao dịch không nên mong đợi bất kỳ sự cắt giảm lãi suất nào trong năm tới.


Sự chú ý của thị trường hiện dồn vào báo cáo việc làm phi nông nghiệp của Mỹ, dự kiến công bố ngày 7/10. Một số nhà quan sát cảnh báo rằng một kết quả vượt dự báo có thể gây ra một đợt bán tháo lớn khác trên thị trường chứng khoán.


Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên 6/10, chỉ số VN-Index giảm 29,74 điểm (2,69%) xuống 1.074,524 điểm. Chỉ số HNX-Index cũng để mất 6,99 điểm (2,89%) xuống 235,13 điểm.