UBND TP Hà Nội vừa đề xuất cấm xe máy từng bước theo phạm vi đường vành đai bắt đầu sau năm 2025, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch.
Nhiều ý kiến băn khoăn, liệu khi đó hệ thống vận tải hành khách công cộng đã đáp ứng được nhu cầu của người dân hay chưa?
Cấm sớm để phù hợp với thời điểm thu phí nội đô
Trên cơ sở nội dung đã được phê duyệt tại Nghị quyết số 04 của HĐND thành phố năm 2017, UBND TP Hà Nội tập trung nghiên cứu theo hướng sau năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ đường Vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, QL5 trở vào trung tâm thành phố.
Sau năm 2030 sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ Vành đai 4 đối với khu vực Nam sông Hồng và Vành đai 3 đối với khu vực Bắc sông Hồng.
5 huyện lên quận giai đoạn 2021-2025 (Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng) sẽ được cập nhật bổ sung vào đề án; đồng nghĩa các đơn vị hành chính này cũng dừng hoạt động xe máy theo lộ trình.
Như vậy, việc cấm xe máy tại các quận được nghiên cứu điều chỉnh sớm hơn 5 năm so với Nghị quyết 04 (mốc thời gian cấm xe máy tại các quận được xác định vào năm 2030.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội cho biết, đề án cấm xe máy vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu.
Việc đẩy sớm thời gian cấm xe máy 5 năm để phù hợp với thời điểm thu phí vào nội đô. Đề án cấm xe máy chỉ được phê duyệt khi đáp ứng các điều kiện đi kèm.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, cấm xe máy theo đường vành đai là một trong hai phương án đã được Viện Chiến lược phát triển giao thông đưa ra trước đó.
Theo lý giải của đơn vị tư vấn, phương án này đang được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai như: Singapore, London (Anh), Quảng Châu (Trung Quốc)...
Trong 5 vành đai được Hà Nội xây dựng đến năm 2030, Vành đai 3 đạt đầy đủ các chỉ tiêu để áp dụng chính sách hạn chế xe máy.
“Đây là vành đai khép kín, mặt cắt ngang rộng, quy mô 8-10 làn xe, trên tuyến có một số đoạn hình thành cao tốc đô thị đảm bảo khả năng phân luồng lưu thông. Hà Nội có Vành đai 3 với quỹ đất dự phòng lớn thuận tiện xây dựng điểm đỗ xe, điểm trung chuyển, trạm dừng nghỉ hơn vành đai 2 vốn đã chật chội”, đơn vị tư vấn nêu.
Ngoài ra, còn có phương án hạn chế xe máy theo quận, dự kiến sẽ tiến hành ở 12 quận nội thành và 5 huyện chuẩn bị lên quận gồm: Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng đến năm 2030. Tổng dân số bị ảnh hưởng là 4,74 triệu (chiếm 52% dân số toàn thành phố).
Tuy nhiên, phương án này không được chọn do có nhiều hạn chế như: Công tác tổ chức giao thông sẽ khó khăn, vì không có vành đai kỹ thuật đảm bảo đủ điều kiện; đồng thời khó khăn trong việc xây dựng bãi đỗ xe, điểm trung chuyển để kết nối.
Lo ngại người dân chuyển sang ô tô cá nhân?
Liên quan đến việc hạn chế xe máy sau năm 2025 của Hà Nội, chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình băn khoăn: “Hà Nội cấm xe máy vào nội đô sớm hơn 5 năm thì căn cứ trên những lý do gì? Cấm xe máy thì người dân phải sử dụng phương tiện khác, vậy phương tiện khác là gì, có đủ hay không? Phương tiện khác thay thế xe máy có thể là xe buýt, tàu điện, ô tô cá nhân và taxi, taxi công nghệ. Những phương tiện để thay thế xe máy có đủ điều kiện để đáp ứng không?”.
“Trong đề án Hà Nội không đề cập đến những phương tiện để thay thế xe máy. Như vậy rất khó đánh giá khả thi hay không”, TS. Bình nói và bày tỏ kỳ vọng đến năm 2025 tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội sẽ vận hành toàn tuyến, cùng với tuyến Cát Linh - Hà Đông, tuyến BRT, sẽ đảm nhận được hai trục xương sống về giao thông công cộng. Tuy nhiên, các trục khác thì chưa thấy khả thi.
“Hiện nay, chúng ta chỉ có mạng lưới xe buýt. Nên chăng nếu hạn chế xe máy chỉ có thể hạn chế trên các trục có đường sắt đô thị. Còn những khu vực khác cần cân nhắc”, TS. Bình nói và bày tỏ lo ngại cấm xe máy sẽ khiến người dân chuyển sang phương tiện ô tô cá nhân.
Bởi lẽ, không phải ai cũng có điều kiện để sử dụng ô tô cá nhân, nhưng việc cấm xe máy có thể là cú hích mạnh khiến người ta buộc phải sử dụng ô tô cá nhân.
Nhất là hiện nay trên thị trường có nhiều loại xe với giá thành khá rẻ. Thu nhập của người dân cũng tăng hơn nhiều. Khả năng người dân bỏ xe máy chuyển sang ô tô cá nhân khá cao. Nếu vậy, việc giải quyết ùn tắc chưa chắc đã thực hiện được.
TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức cho rằng, xe máy về lâu dài không phải là phương thức bền vững.
Tỷ lệ TNGT do xe máy dẫn đến tử vong hàng năm rất cao, gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn và đặc biệt triệt tiêu sự phát triển của giao thông công cộng.
Nếu cứ để phương tiện xe máy phát triển như hiện nay, hàng tỷ USD đổ vào giao thông công cộng (cụ thể là đường sắt đô thị), buýt nhanh BRT cũng sẽ không phát huy tác dụng.
Theo ông Tuấn, khu vực nào phát triển giao thông công cộng tốt là cấm xe máy, không nhất thiết phải từ đường Vành đai 3 trở vào. Ví dụ hiện có thể cấm xe máy ngay trên trục đường có tàu Cát Linh - Hà Đông chạy qua.
Nếu Hà Nội chọn cấm xe máy trong năm 2025 từ đường Vành đai 3 trở vào, ông cho rằng từ bây giờ trở đi phải có chương trình hành động, chiến lược rõ ràng.
Việc đầu tiên phải làm là phát triển giao thông công cộng trong mạng lưới đường Vành đai 3, xem xét mạng lưới xe buýt kết nối; tuyến đường sắt đô thị nào đã triển khai phải tổ chức kết nối phù hợp, những tuyến nào đang triển khai đẩy nhanh tiến độ.
Đồng thời mở thêm tuyến buýt nhanh, buýt nhánh, phát triển xe đạp cho thuê tiện ích.
“Khi cấm xe máy, có thể người dân sẽ chuyển sang ô tô, mà tỷ lệ tắc đường của ô tô gấp 5 lần xe máy. Điều này đã được chứng minh ở Trung Quốc, những thành phố nào cấm xe máy trong khi giao thông công cộng không được nâng cấp, mở rộng kịp thời, nhiều người dân sẽ chuyển sang sử dụng ô tô, ví dụ như Thượng Hải, Quảng Châu”, ông Tuấn dẫn chứng.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, Hà Nội chỉ nên dừng hoạt động xe máy khi hệ thống vận tải công cộng đáp ứng được ít nhất khoảng 60% đi lại của người dân. Hà Nội hiện vẫn đang mất cân đối về tỷ lệ sử dụng xe buýt và xe máy, ô tô.
Hiện chỉ có 0,16 phương tiện xe buýt/1.000 dân, trong khi 49,8 xe con/1.000 dân và tới 628 xe máy/1.000 dân.
“Để đảm bảo điều kiện trên, đến 2030 Hà Nội cần có 8 tuyến đường sắt đô thị, 200 tuyến buýt, 35.000 taxi, hơn 50.000 xe hợp đồng, khoảng 20 tuyến buýt mini và 10.000 xe đạp công cộng”, vị này nói.