Từ 15h hôm nay, mỗi lít xăng tăng 800-880 đồng trong khi dầu tăng hơn 2.000 đồng và thiết lập mức cao nhất từ trước đến nay.
Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng bán lẻ trong nước lập kỷ lục mới: xăng E5 RON 92 là 31.110 đồng một lít; RON 95-III vượt 32.000 đồng, lên mức 32.370 đồng một lít. RON 95-III là loại bán phổ biến, chiếm gần 70% lượng tiêu thụ trên thị trường và được liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành giá.
Các mặt hàng dầu (dầu hoả, dầu diesel) ở kỳ điều hành này tăng khá mạnh, trên 2.000 đồng một lít. Dầu hoả đắt thêm 2.490 đồng, lên mức giá 27.830 đồng một lít. Dầu diesel cũng tăng 2.630 đồng, lên 29.020 đồng một lít. Riêng dầu mazut giảm 550 đồng một lít, còn 20.350 đồng.
Đây là lần tăng giá thứ sáu liên tiếp từ ngày 21/4 đến nay. Tổng cộng, xăng RON 95-III đắt thêm 5.060 đồng mỗi lít, còn E5 RON 92 thêm 4.640 đồng.
Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành vừa qua tiếp tục biến động mạnh. Nguồn cung xăng dầu khan hiếm do lệnh cấm dầu Nga của EU, tồn kho dầu tại Mỹ thấp; sản lượng gia tăng của OPEC+ không đủ bù đắp nguồn cung giảm từ Nga... Bình quân giá thành phẩm thế giới 10 ngày qua tăng 2-4% với xăng; 3-14% với các mặt hàng dầu.
Do giá tăng mạnh, nhất là dầu diesel nên tại kỳ điều hành lần này liên Bộ Công Thương - Tài chính vẫn sử dụng công cụ Quỹ bình ổn xăng dầu dù quỹ này đang âm, để hạn chế mức tăng giá trong nước.
Theo đó, mức dùng Quỹ với xăng RON 95 là 200 đồng một lít, giảm 300 đồng so với kỳ điều hành ngày 1/6. Mức sử dụng Quỹ với dầu diesel và dầu hoả lần lượt là 400 đồng và 300 đồng một lít (kỳ điều hành ngày 1/6 là 0 đồng).
Nhà điều hành không trích Quỹ bình ổn giá với các mặt hàng xăng, dầu (trừ dầu mazut).
Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, đề xuất với cấp có thẩm quyền việc giảm thêm thuế với xăng dầu, kìm đà tăng của mặt hàng này.
Từ 1/4, thuế bảo vệ môi trường với xăng đã giảm 2.000 đồng một lít, dầu là 1.000 đồng mỗi lít đến cuối năm nay. Các loại thuế có thể xem xét để giảm thêm trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu là thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt (xăng là 10%), thuế giá trị gia tăng (VAT) hiện là 10%.
Bộ trưởng Tài chính tại phiên trả lời chất vấn hôm 8/6 cho biết sẽ cân nhắc và đề xuất việc giảm thuế với xăng, dầu.
Giải trình trước Quốc hội, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết với 13 đợt tăng giá xăng dầu trong 5 tháng đầu năm, giá đắt thêm 7.300-7.900 đồng một lít, tức là 59,49% trong 5 tháng. Mức này đã tác động tới CPI chung tăng 1,8 điểm phần trăm.