Theo doanh nghiệp đầu mối, kỳ điều hành tới, mỗi lít xăng sẽ tăng trên 1.000 đồng khi giá nhập vào liên tục đi lên thời gian qua.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá xăng và dầu sẽ được điều chỉnh vào ngày 11/2.
Dữ liệu của Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 7/2 cho thấy, bình quân xăng RON 92 có giá 101,8 USD một thùng, giá xăng RON 95 ở mức 104,13 USD một thùng. Mức này tăng 7% so với kỳ điều chỉnh trước đó.
Chia sẻ với VnExpress, lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP HCM cho rằng, nhu cầu tiêu thụ xăng và dầu toàn cầu tăng, căng thẳng Nga - Ukraine, gián đoạn nguồn cung từ các nhà sản xuất như Libya khiến sản phẩm này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
"Kỳ điều hành này, giá xăng có thể điều chỉnh quanh mức 1.000-1.200 đồng một lít. Còn dầu tăng quanh mức 800-900 đồng một lít", lãnh đạo đầu mối ở TP HCM nói.
Theo vị này, kỳ điều hành trước đó đúng vào dịp lễ, Tết nên nhà chức trách không điều chỉnh giá khiến các doanh nghiệp nhập khẩu thua lỗ. Do đó, kỳ này buộc nhà điều hành phải cân nhắc cho tăng giá.
Đồng quan điểm, lãnh đạo đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cho rằng, khi giá nhập khẩu leo thang trên 100 USD một thùng, nếu nhà điều hành kìm giá bán lẻ, nguồn cung trong nước sẽ khó ổn định.
Ở một phương án khác, nếu nhà chức trách vẫn quyết không để giá xăng, dầu tăng cao thì có thể vừa dùng quỹ bình ổn vừa tăng giá ở mức 600-700 đồng một lít.
Nếu đúng như dự báo này, đây sẽ đợt tăng thứ ba liên tiếp của giá xăng từ đầu năm nay.
Tại kỳ điều hành ngày 21/1/2022, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 440 đồng lên 23.590, RON 95 tăng 490 đồng đạt 24.360 đồng một lít.
Giá các mặt hàng dầu đều tăng. Dầu hoả là 17.790 đồng một lít, tăng 660 đồng. Dầu diesel là 18.900 đồng một lít, tăng 670 đồng. Dầu madut là 16.990 đồng một kg, tăng 630 đồng.
Vì sao nhiều cây xăng treo biển hết hàng, đóng cửa?
Các cửa hàng, đại lý nói "càng bán càng lỗ" khi giá xăng nhập về kho còn cao hơn cả giá họ bán lẻ cho người tiêu dùng.
Vài ngày qua, nhiều cửa hàng, đại lý xăng dầu tại An Giang, Sóc Trăng, Đăk Nông... đồng loạt treo biển hết hàng hoặc bán ra nhỏ giọt. Một số đơn vị cho rằng việc phải "gồng lỗ" cũng khiến họ ái ngại khi bán xăng.
Theo ông Đỗ Thanh Hán, Giám đốc Công ty TNHH Quốc Thắng, một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu với 8 cửa hàng bán lẻ tại Bình Dương, trước đây bán một lít xăng được hưởng chiết khấu (hoa hồng) 200-1.000 đồng. Hiện nay, khi giá thế giới tăng mạnh, hầu hết đầu mối đều giảm mức hoa hồng xuống rất thấp.
Trước Tết, một số đầu mối duy trì chiết khấu chỉ 100-150 đồng một lít xăng, dầu tuỳ loại, giờ kéo về 0 đồng, thậm chí là âm. Sáng 9/2, các đại lý cho biết mức chiết khấu với xăng RON 95 đang âm hơn 600 đồng, xăng E5 RON 92 âm 650 đồng...
Với tỷ lệ hoa hồng này, nếu cộng chi phí vận chuyển từ kho về cửa hàng, thuê nhân công..., doanh nghiệp, đại lý xăng dầu bị lỗ nặng với mỗi lít xăng bán ra. Tức là, giá xăng bán buôn cho các đại lý cao hơn giá bán lẻ công bố trên thị trường.
"Mức hoa hồng bị cắt giảm quá mạnh khiến chúng tôi phải tự bỏ chi phí để thuê xe bồn chở từ kho đầu mối về cửa hàng. Giá vận chuyển mỗi lít xăng, dầu khoảng 500 đồng, đàm phán được với bên vận chuyển giảm được 100 đồng, công ty vẫn lỗ 400 đồng", đại diện một đại lý kinh doanh xăng dầu ở Hà Nội cho biết.
Liên quan tới mức chiết khấu xăng dầu xuống quá thấp khiến các đại lý bị lỗ, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công Thương cho biết đã báo cáo Chính phủ, đề nghị chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh khoản lợi nhuận định mức cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Việc này nhằm đảm bảo "đủ cho họ hoạt động, tránh tình trạng lỗ sâu khi giá thế giới tăng quá cao hiện nay".
Ngoài chiết khấu thấp, các đại lý, cửa hàng xăng dầu cho biết, nguồn cung cũng khan hiếm khi Lọc dầu Nghi Sơn - nhà máy lọc dầu chiếm khoảng 35% thị phần trong nước cắt giảm sản lượng.
"Trước đây, các đầu mối vẫn cấp đủ sản lượng, từ trước Tết đã giảm một nửa và vài hôm nay thông báo sẽ ngừng cấp vì bản thân họ cũng khó khăn về nguồn hàng", vị này nói thêm.
Các đại lý cho hay, lúc này họ kinh doanh cầm cự lấy khoản nọ bù khoản kia, chứ không còn nghĩ tới lãi. "Nếu cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Công Thương không tháo gỡ, trước sau gì chúng tôi cũng phải đóng cửa", trưởng cửa hàng xăng dầu tại Vĩnh Phúc cho biết.
Theo các đại lý, không loại trừ khả năng các doanh nghiệp đầu mối đang găm hàng, chờ đợi đợt điều chỉnh giá vào ngày 11/2. Việc chờ giá lên cao mới bán là để bù cho phần lỗ sâu khi giá trong nước và thế giới đang "vênh" nhau khá xa.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công Thương hôm 8/2 cũng cho rằng, thiếu xăng dầu chỉ xảy ra cục bộ tại cửa hàng, đại lý của các doanh nghiệp nhỏ, do tâm lý găm hàng nhằm trục lợi. Ngoài ra, có việc một số doanh nghiệp hạn chế bán ra để chờ tăng giá.
Tuy nhiên, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở phía Nam khẳng định không găm hàng, bản thân họ cũng rơi vào thế khó khi nguồn cung thiếu hụt.
"Chúng tôi đang căng mình tìm mọi cách xoay xở, cân đối đủ hàng cho hệ thống theo sản lượng bán trung bình từng đơn vị trong hệ thống phân phối, không có chuyện hàng trong kho còn mà không đưa ra bán", ông nói.
Nhân viên một cây xăng trên đường Hai Bà Trưng ( TP HCM) bơm nhiên liệu cho khách hàng. Ảnh: Hữu Khoa
Nhân viên một cây xăng trên đường Hai Bà Trưng ( TP HCM) bơm nhiên liệu cho khách hàng. Ảnh: Hữu Khoa
Một lý do khác được lý giải cho nguồn cung giảm là theo Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, từ đầu năm 2022, yêu cầu dự trữ bắt buộc với thương nhân đầu mối giảm xuống còn 20 ngày thay vì 30 ngày. Nên khi nguồn cung ứng giảm đột ngột, nhập khẩu mất thêm thời gian vận chuyển hàng về, nguồn hàng dự trữ của các doanh nghiệp đầu mối cũng chỉ đủ cung cấp ra thị trường khoảng 10 ngày.
Hiện tượng cây xăng treo biển hết xăng đã từng diễn ra hồi tháng 3/2019 và tháng 5/2020 sau khi nhiều doanh nghiệp xăng dầu phản ánh việc "thiếu xăng để bán" do nguồn cung nhỏ giọt.
Trước thực tế này, các doanh nghiệp xăng dầu kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm làm rõ bất cập của thị trường hiện nay, cũng như công bố rõ lượng tồn kho của doanh nghiệp đầu mối, kế hoạch đảm bảo nguồn hàng của họ, để doanh nghiệp phân phối có định hướng, kế hoạch kinh doanh rõ ràng.
Tại cuộc họp chiều qua, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương "tuyệt đối không để thiếu xăng, dầu trong mọi hoàn cảnh". Ông yêu cầu Bộ Công Thương phải thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ quản lý xăng dầu; có kế hoạch chi tiết, chính xác hơn nguồn cung trong nước và nhập khẩu.
Các doanh nghiệp trong ngành cho rằng, tình trạng khan hàng có thể kéo dài tới cuối tháng 2, nếu các biện pháp can thiệp của cơ quan điều hành không kịp thời, chủ động và linh hoạt hơn khi thị trường biến động mạnh.
Hiện mặt bằng giá bán lẻ thành phẩm xăng dầu tại thị trường Singapore đã vượt 100 USD một thùng. Theo tính toán của các đại lý, giá cơ sở mỗi lít xăng RON 95 so với giá thành phẩm trên thế giới đang lỗ gần 1.000 đồng, dầu diesel, xăng E5 RON 92 mức lỗ trên 800 đồng... Cộng dồn các loại phí, thuế, mỗi lít xăng doanh nghiệp cho biết chịu lỗ gần 2.000 đồng, dầu lỗ khoảng 1.000 đồng.
Với chênh lệch giá bán lẻ trong nước và thế giới tăng cao, tại kỳ điều hành ngày 11/2, các dự báo đưa ra cho thấy khả năng giá bán lẻ sẽ điều chỉnh mạnh, chịu áp lực từ giá thế giới. Công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhiều khả năng được nhà chức trách sử dụng trong kỳ điều hành tới để đà tăng giá bán lẻ không quá sốc trong một kỳ điều hành.