Báo Giao thông vừa đăng bài: "Đường 3.800 tỷ làm sau vướng khu đô thị xây trước, Cần Thơ xử lý thế nào?", phản ánh việc cơ quan chức năng TP Cần Thơ đang tính phương án xử lý 6ha đất của một khu đô thị nằm trong phạm vi dự án đường Vành đai phía Tây.
Vấn đề được nhiều người quan tâm là vì sao đường Vành đai phía Tây được phê duyệt sau nhưng lại chồng lấn với dự án khu đô thị đã được quy hoạch trước đó vài năm? Liệu TP Cần Thơ có phải bỏ tiền ra đền bù cho chủ đầu tư khu đô thị nếu lấy đất làm đường?
Liên quan vấn đề này, một lãnh đạo UBND TP Cần Thơ cho biết: "Dự án Khu đô thị An Bình mới nằm trong diện Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo rà soát, có riêng một tổ công tác để xử lý vụ việc này.
Tuần sau tổ công tác này sẽ báo cáo với Ban Thường vụ để có hướng giải quyết".
Khu đất nơi đường Vành đai phía Tây đi qua để vào thẳng khu đô thị mới An Bình của Công ty Hồng Phát.
Sắp hết thời gian triển khai
Dự án đường Vành đai phía Tây ở Cần Thơ được phê duyệt cuối năm 2021 với tổng vốn đầu tư hơn 3.837 tỷ đồng, khởi công hồi tháng 11/2022.
Điều bất ngờ là con đường này được phê duyệt sau, nhưng lại xuyên qua Khu đô thị mới An Bình được phê duyệt từ trước (năm 2018), phải lấy khoảng 6ha đất của khu này với chiều dài 1,6km...
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, dự án Khu đô thị mới An Bình của Công ty CP Đầu tư xây dựng Hồng Phát (Công ty Hồng Phát) hiện đang tạm ngưng triển khai, chờ ý kiến của UBND TP Cần Thơ.
Dự án này được thành phố cấp quyết định chủ trương đầu tư vào ngày 9/8/2018. Tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng trên phần diện tích gần 49ha, thời gian thực hiện đến quý III/2023, tức chỉ còn ba tháng nữa là hết thời gian nhưng đến nay chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa xây dựng gì.
Diện tích khu đô thị chủ yếu nằm trên địa bàn phường An Bình, quận Ninh Kiều và một phần nhỏ (khoảng 6ha) ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền. Đất ở khu vực này phần lớn là đất lúa và cây lâu năm.
Tháng 10/2020, UBND TP Cần Thơ phê duyệt giá đất cụ thể để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án khu đô thị nói trên ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền.
Trong đó, giá đất ở cao nhất là 9 triệu đồng/m2, thấp nhất 2,2 triệu đồng/m2. Đất trồng cây lâu năm có giá cao nhất là 3,6 triệu đồng/m2, thấp nhất là 1,25 triệu đồng/m2...
Thời điểm này, dự án đã được phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Để có mặt bằng, chủ đầu tư - Công ty Hồng Phát ký hợp đồng với Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Cần Thơ để giải phóng mặt bằng cho dự án.
Tuy nhiên, người dân có đất bị ảnh hưởng cho biết, họ đợi mãi nhưng cũng không thấy gì. Không biết số phận dự án ra sao, song họ cũng không dám canh tác sản xuất.
Riêng địa bàn phường An Bình, quận Ninh Kiều, đến thời điểm này mới có 54 hộ dân nhận thông báo thu hồi đất. Trong số này hiện chỉ có vài hộ thực hiện giao đất theo thông báo.
Và mới đây, ông Nguyễn Thanh Tao, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Cần Thơ cho hay, dự án này đã ngưng triển khai giải phóng mặt bằng gần hai năm qua vì nằm ngoài danh mục dự án thu hồi đất được thành phố ban hành (do có diện tích quy hoạch có trên 10ha đất lúa - PV, cần được Thủ tướng phê duyệt).
Những khả năng có thể xảy ra
Trong khi đó, dự án đường Vành đai phía Tây chính thức được phê duyệt cuối năm 2021 với tổng vốn đầu tư hơn 3.837 tỷ đồng, Sở GTVT TP Cần Thơ làm chủ đầu tư.
Khởi công giữa tháng 11/2022, đến nay nhiều gói thầu của dự án này vẫn chưa triển khai được vì vướng mặt bằng.
Bảng thông tin về dự án Vành đai phía Tây đặt trước công trường.
Với chiều dài gần 20km, đường Vành đai phía Tây đi qua 5 quận huyện của TP Cần Thơ, kết nối QL91 và QL61C.
Đề cập đến việc liệu Nhà nước có phải bỏ tiền đền bù cho chủ đầu tư khu đô thị nếu lấy đất làm đường Vành đai phía Tây, một lãnh đạo Sở GTVT Cần Thơ khẳng định: "Hoàn toàn không có chuyện đó".
Theo ông này, do đã có định hướng quy hoạch từ trước, nên khi giao đất cho Công ty Hồng Phát, phần đường xuyên qua khu đô thị để kết nối với đường Vành đai phía Tây, UBND TP buộc chủ đầu tư phải bỏ tiền ra làm (đền bù giải phóng mặt bằng và làm đường).
Do đó, nếu chủ đầu tư khu đô thị không làm, chậm kết nối với toàn tuyến Vành đai phía Tây, thành phố sẽ có các phương án xử lý.
Sơ đồ đường Vành đai phía Tây Cần Thơ (màu vàng).
Một lãnh đạo phường An Bình - nơi phần lớn dự án khu đô thị tọa lạc cho biết, TP có thể điều chỉnh quy hoạch của khu đô thị này và thu hồi một phần dự án để lấy đất làm đường.
Chủ đầu tư khu đô thị chỉ mới có một diện tích khá nhỏ, hầu như cũng chưa đền bù, chưa chuyển đổi thành đất thổ cư, nên hiện trạng đất chủ yếu vẫn là đất nông nghiệp...
Như vậy, Nhà nước không phải bỏ chi phí cao, mà chỉ đền bù cho dân theo hiện trạng đất lúa, cây lâu năm.
Mặt khác, với thời gian thực hiện kéo dài từ năm 2018 đến nay, vì nhiều lý do dự án vẫn đang ở giai đoạn khởi động phần giải phóng mặt bằng, việc toàn bộ dự án bị thành phố thu hồi cũng có thể xảy ra.
Lúc đó, con đường sẽ dễ dàng GPMB, bàn giao cho nhà đầu tư mới triển khai dự án...
Nghị định 11/2010 NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có quy định về nguyên tắc và nội dung khi quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Theo đó, nguyên tắc khi quy hoạch phải phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch giao thông vận tải và các quy hoạch khác liên quan. Được lập cho ít nhất 10 năm và định hướng phát triển cho ít nhất 10 năm tiếp theo.
Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong đô thị phải bảo đảm quỹ đất theo quy định và phải có đường gom, cầu vượt, hầm chui tại các vị trí phù hợp để bảo đảm an toàn giao thông.