Đó là nội dung “đốt nóng” chương trình tọa đàm bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN cùng Hiệp hội Xăng dầu VN phối hợp tổ chức ngày 21.9 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP dầu khí Sơn Hải (Hà Nội), cho biết từ tháng 7 đến nay, chiết khấu từ đầu mối nhập khẩu cho thương nhân phân phối xăng dầu, doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu rất thấp, có thời điểm xuống 0 đồng/lít, có lúc 50 - 100 đồng/lít, trích tại kho đầu nguồn.
Theo ông Hạnh, mức chiết khấu này quá nhỏ bé so với chi phí DN đang phải gồng gánh. Cụ thể, chi phí vận chuyển nội địa tối thiểu cho 1 lít xăng dầu từ cảng đầu nguồn đến khâu bán lẻ khoảng 375 đồng. Bên cạnh đó, DN còn phải chi tiền lương, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; đóng phí công đoàn… tối thiểu là 300 - 350 đồng/lít. Ngoài ra, chi phí hao hụt khoảng 100 đồng/lít xăng, 46 đồng/lít dầu.
Cộng tổng các khoản chi cho 1 lít xăng từ đầu nguồn đến bán lẻ đội thêm 1.200 - 1.341 đồng và từ 1.130 - 1.254 đồng/lít dầu. “Chiết khấu như hiện nay thì thương nhân, DN bán lẻ càng bán càng lỗ nặng, cũng không đủ bù đắp chi phí kinh doanh cố định nên lỗ chồng lỗ, trong khi cơ quan quản lý nhà nước địa phương yêu cầu phải bán hàng, không được phép nghỉ, đóng cửa”, ông Hạnh nói.
Bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV xăng dầu Chiến Thắng (Yên Bái), đang có 5 cửa hàng, 10 đại lý nhập xăng dầu tại kho Đức Giang (Hà Nội) với chiết khấu 0 đồng/lít, có thời điểm cao hơn là 20 đồng/lít, 70 đồng/lít. Nhưng chi phí vận chuyển từ kho Đức Giang đến TP.Yên Bái khoảng 450 đồng/lít, sau đó tiếp tục phải vận chuyển thêm 100 - 120 km đến đại lý ở vùng sâu, vùng xa. Chỉ riêng tiền vận chuyển, chi phí mỗi lít xăng dầu khoảng 700 đồng thì chiết khấu khoảng 1.200 - 1.300 đồng/lít mới đủ bù các khoản chi.
Đáng lưu ý, theo bà Sinh, từ tháng 8 đến nay, liên tục xảy ra tình trạng khan hiếm, đứt hàng. Ở thời điểm trước, DN đầu mối cấp xăng theo sản lượng bình quân của 3 tháng trước đó nhưng hiện nay khi nào có hàng mới được cấp. Thời điểm cấp nhiều nhất chỉ có 27 m3/ngày, trong khi nhu cầu thực tế gấp 2,5 lần nên đưa hàng về cũng không biết phân chia ra sao cho cửa hàng, đại lý. “Chúng tôi chịu áp lực rất lớn từ quản lý thị trường địa phương, nếu đứt nguồn cung, không có xăng dầu để bán thì cũng không được đóng cửa, đóng cửa là bị thu hồi giấy phép”, bà Sinh nói.
Cũng tại tọa đàm, đại diện các DN phản ánh những bất cập trong các quy định pháp luật gây cản trở họ. Theo ông Nguyễn Đức Hạnh, điều 11 Thông tư 104 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 2.1.2022 quy định lợi nhuận định mức không thay đổi được áp dụng tối đa chỉ có 300 đồng/lít. Nhưng thực tế, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, an sinh xã hội, phục vụ phát triển kinh tế thì chi phí tối thiểu đối với xăng là từ 1.517 - 1.641 đồng/lít, dầu là 1.430 - 1.554 đồng/lít mới đảm bảo cho các thương nhân phân phối, bán lẻ bù đắp được chi phí kinh doanh. “Các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chặt chẽ giá thành đầu vào các đầu mối nhập khẩu xăng dầu, đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí thực tế và cần có quy định yêu cầu các DN này có chiết khấu ở mức tối thiểu đảm bảo cho DN bán lẻ đủ trang trải chi phí”.
Suốt thời gian qua, các DN xăng dầu đầu mối để chiết khấu cho DN bán lẻ 0 đồng. Đấy chính là sự không bình đẳng đối với DN nhỏ và vừa.
Khốn khổ với công việc kinh doanh thua lỗ triền miên nhiều tháng nay, bà Lê Thị Nhã, chủ DN tư nhân Văn Phúc (H.Thường Tín, Hà Nội), thốt lên: “Chưa có thời nào chiết khấu cho DN bán lẻ lại “ác” như thời này. Giá xăng giảm 1.000 - 1.400 đồng/lít nhưng chiết khấu vẫn 0 đồng”.
Theo bà Nhã, Nghị định 83/NĐ-CP/2014 và Nghị định 95/NĐ-CP/2021 quy định mỗi cây xăng chỉ được mua hàng của một nguồn để dễ dàng quy trách nhiệm chất lượng trong từng khâu phân phối. Tuy nhiên, bà cho rằng để quản lý chất lượng, cơ quan quản lý nhà nước có thể yêu cầu bên mua - bên bán lưu mẫu trước khi rót vào phương tiện vận tải của hai bên, sau đó đối chiếu chất lượng hàng tồn kho. Còn quy định này không khác gì độc quyền, không cho DN bán lẻ lựa chọn các nguồn hàng là thủ tiêu sự cạnh tranh, nếu không kiến nghị để sửa đổi thì bán lẻ xăng dầu vẫn muôn vàn khó khăn.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Bích Hường, Chủ tịch Chi hội Xăng dầu, Hiệp hội DN nhỏ và vừa VN, cho biết cả nước có 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thì trên 13.000 cửa hàng của DN nhỏ và vừa, đây là đối tượng chịu thiệt hại nhiều nhất trong chuỗi kinh doanh xăng dầu, khi không có quyền đòi hỏi, đưa ra mức chiết khấu mà chỉ trông chờ sự “hào sảng” của các DN đầu mối. “Suốt thời gian qua, các DN xăng dầu đầu mối để chiết khấu cho DN bán lẻ 0 đồng. Đấy chính là sự không bình đẳng đối với DN nhỏ và vừa”, bà Hường nói.
Lên tiếng để “giải oan” cho nhiều đơn vị “găm hàng trục lợi”, bà Hường cho rằng quy mô phổ biến mỗi cửa hàng chỉ có 3 bể chứa khoảng 75 m3, lượng tích trữ bình quân hằng tháng khoảng 40%. Nếu phát hiện “găm hàng” không bán, cửa hàng bị rút giấy phép ngay, thiệt hại này rất lớn. Các DN bán lẻ không dại gì mà tích trữ, găm hàng.
Kiến nghị sửa đổi chính sách, bà Hường cho rằng Nghị định 95/NĐ-CP quy định điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 1, 11 và 21 hằng tháng, nếu trùng nghỉ lễ thì lùi sang ngày hôm sau không còn hợp lý vì thực tế đã có rất nhiều kỳ nghỉ dài 5 - 7 ngày, thậm chí 9 ngày khiến việc điều chỉnh giá bị “trễ khủng khiếp”. Các đơn vị bán lẻ xăng dầu đều biết chỉ cần giá thế giới thay đổi hôm nay, thì ngày mai mức chiết khấu cho DN bán lẻ đã thay đổi. DN đầu mối điều chỉnh rất nhanh nhạy thì không có lý gì cơ quan quản lý nhà nước giữ đến 10 ngày. Nếu cứ giữ cách điều hành như hiện nay thị trường xăng dầu sẽ méo mó, không khác gì trở lại thời kỳ bao cấp.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN, khẳng định với chiết khấu 0 đồng như hiện nay thì không có DN nào tồn tại được. Dù xăng dầu là mặt hàng chịu sự quản lý giá của nhà nước nhưng phải đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, DN và người dân. Đối với các khó khăn của các DN bán lẻ, các cơ quan quản lý nhà nước phải nghiêm túc nhìn nhận thực tế để có sự can thiệp, tháo gỡ. “Chúng tôi đã kiến nghị với liên bộ Công thương - Tài chính đối với thị trường xăng dầu thì cần đảm bảo cho DN có chi phí lưu thông. Còn chính sách hiện nay thì không thực sự rõ ràng và cũng không có chế tài nào hỗ trợ các DN bán lẻ cả”, ông Bảo nói.
Ở kỳ điều chỉnh trước, liên bộ bộ Công thương - Tài chính đã điều chỉnh giá xăng theo chu kỳ mới cụ thể, xăng E5 RON 92 có giá 21.780 đồng/lít, xăng RON 95-III có giá 22.580 đồng/lít, dầu 0.05S-II có giá 22.530 đồng/lít, dầu 0.001S-V có giá 24.510 đồng/lít/