Đề xuất ‘phạt nguội’ không cần mời chủ xe để xác minh

Sắp tới TP.HCM tăng đầu tư thiết bị để "phạt nguội", CSGT ít ra đường hơn


Đó là những nội dung vừa được Sở Giao thông vận tải TP.HCM thông tin đến Sở Kế hoạch - đầu tư về những khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị trung ương liên quan đến lĩnh vực giao thông.


Cụ thể, theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, việc xử "phạt nguội" trong lĩnh vực giao thông hiện hành còn nhiều hạn chế. Người vi phạm được yêu cầu đến phối hợp với cơ quan chức năng để xác minh, xử lý "phạt nguội" ít do tình trạng xe mua bán không sang tên, đổi chủ nhiều, chủ xe, lái xe trốn tránh không đến. 


Thống kê cho thấy tại TP.HCM tỉ lệ chấp hành xử phạt năm 2020 chỉ đạt 27,33% và chưa có các biện pháp chế tài bổ sung để nâng cao hiệu lực.


Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hiện nay các nước phát triển trên thế giới đều đã áp dụng "phạt nguội" mà không cần mời chủ xe đến xác minh lại hành vi vi phạm. Trường hợp người vi phạm không đồng ý với quyết định xử phạt, họ có thể kiện ra tòa.


Do đó sở này đề xuất cần kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tư pháp nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 theo hướng xử phạt hoàn toàn tự động, xuất phiếu phạt trực tiếp mà không thực hiện mời chủ xe đến xác minh lại hành vi vi phạm.


Trước mắt, Sở Giao thông vận tải đề xuất kiến nghị Chính phủ cho phép thí điểm "phạt nguội" các hành vi vi phạm tải trọng theo hướng xử phạt đối với đối tượng là chủ xe. 


Trường hợp xác định được người lái xe không phải là chủ xe thì xử phạt thêm tài xế và không yêu cầu hạ phần hàng quá tải tại nơi phát hiện vi phạm.


Sở Giao thông vận tải cũng đề xuất cho phép thí điểm "phạt nguội" xe kinh doanh vận tải thông qua hệ thống camera ghi hình và cơ sở dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe kinh doanh vận tải. 


Hiện nay, sở này cũng đang xây dựng đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ để xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Đề án đề xuất đầu tư hệ thống giám sát, phần mềm để "phạt nguội" vi phạm giao thông gồm 180 điểm, lắp trên 30 tuyến đường, tổng số vốn 454 tỉ đồng từ năm 2022 đến 2025. 


Các đường được đề xuất lắp đặt nằm ở khu trung tâm, quanh sân bay Tân Sơn Nhất, một số tuyến quốc lộ, vành đai, gần cảng, khu công nghiệp... có tình hình giao thông phức tạp.