Công đoàn Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, theo Điều 1 Luật Công đoàn 2012, Công Đoàn Cục Đăng kiểm VN với vai trò và trách nhiệm là cơ quan đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ, đoàn viên trong lĩnh vực đăng kiểm.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, hàng trăm cán bộ, đăng kiểm viên là đoàn viên công đoàn ngành đăng kiểm trên toàn quốc bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử trong các vụ án hình sự về các tội: Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Giả mạo trong công tác, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ,…
Trong số đó, có nhiều cán bộ, đăng kiểm viên được đào tạo cơ bản (đều là kỹ sư, cử nhân hoặc có trình độ cao hơn) có chuyên môn nghiệp vụ tốt, tâm huyết với nghề, có nhiều năm cống hiến, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và có nhiều thành tích cao trong công tác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong quá trình cơ quan cảnh sát điều tra các cấp điều tra, làm rõ hành vi phạm tội để đề nghị truy tố, xét xử các vụ án liên quan công tác đăng kiểm, có nhiều cán bộ, đăng kiểm viên đã chủ động nhận ra hành vi vi phạm pháp luật của bản thân, cung cấp nhiều thông tin có giá trị nhằm giúp cơ quan điều tra làm rõ nội dung vụ án, ngăn chặn hoặc làm giảm bớt hậu quả của vi phạm pháp luật.
Về nhân thân, đa số các cán bộ, đăng kiểm viên đều là những người có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng; nhiều trường hợp thực hiện theo chỉ đạo cấp trên, ít nhiều mang tính chất "lỗi hệ thống".
Về hoàn cảnh gia đình, hầu hết cán bộ, đăng kiểm viên đều là trụ cột chính trong gia đình, là lao động duy nhất và là chỗ dựa cho con thơ, bố mẹ già, công tác trong môi trường vất vả, độc hại; đồng lương hạn chế... suy nghĩ không chín chắn nên đã vi phạm pháp luật. Hiện họ mong muốn được hưởng khoan hồng để sớm trở về chăm sóc cha mẹ già, nuôi dạy con thơ và luôn khao khát làm lại cuộc đời, mong sớm được trở lại đóng góp cho xã hội.
Về việc tự giác khắc phục hậu quả, các cán bộ, đăng kiểm viên đã nhận thức rõ hành vi vi phạm pháp luật của mình và thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện hoặc tác động gia đình nhanh chóng khắc phục hậu quả.
Qua quá trình theo dõi, Công đoàn Cục Đăng kiểm VN nhận thấy nhiều cán bộ, đăng kiểm viên khi được Cơ quan cảnh sát điều tra công an các cấp không áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam, cho tại ngoại đã tuân thủ quy định của pháp luật và yêu cầu của các cơ quan tố tụng. Đồng thời nỗ lực làm việc tại đơn vị trong hệ thống đăng kiểm với mong muốn được lập công chuộc tội, góp sức giúp ngành đăng kiểm khắc phục được khủng hoảng do thiếu hụt nhân lực và giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn cả nước.
Từ đó, Công đoàn Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân các cấp cân nhắc, xem xét hành vi vi phạm pháp luật của các cán bộ, đăng kiểm viên khi lượng hình, miễn giảm một phần trách nhiệm hình sự cho họ, để vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật nhưng đồng thời cũng thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước cho những người biết ăn năn, hối cải, tự nguyện khắc phục hậu quả, có ý thức lập công chuộc tội; tạo điều kiện cho họ có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho xã hội và nếu có thể được tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực đăng kiểm, phục vụ nhu cầu cấp thiết của người dân và doanh nghiệp.
Nỗi lòng đăng kiểm viên sau “giông bão”