Chuyện băng rừng sâu làm cầu vượt trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Máy xúc, máy đào "hộ tống" xe chở dầm

Những ngày đầu tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây được đưa vào khai thác, phục vụ người dân lưu thông dịp 30/4 - 1/5, đứng tại cây cầu vượt ngang tại Km48, kỹ sư Nguyễn Thế Lưu, Phó giám đốc điều hành gói thầu 3-XL thuộc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính bồi hồi nhớ về quãng thời gian cùng đồng nghiệp băng rừng sâu để gác dầm, dựng cầu trên cao tốc.

chuyện băng rừng sâu làm cầu vượt trên cao tốc phan thiết - dầu giây

Nhờ việc đưa ra kịp thời các giải pháp tổ chức thi công, nhà thầu Trung Chính để đảm bảo tiến độ triển khai hệ thống cầu chính tuyến, cầu vượt ngang, đảm bảo điều kiện đưa tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vào khai thác (Chụp ngày 7/4/2023 - Ảnh: Tạ Hải)


Kỹ sư Lưu kể: Tại gói thầu 3-XL, Trung Chính phụ trách thi công 6 cầu chính tuyến, 18 cầu vượt ngang trên phạm vi từ Km 47+672 - Km 83+000.

Khó khăn nhất là giai đoạn đầu, công địa trong rừng không đủ diện tích, bãi đúc dầm được lắp đặt ở tận đầu tuyến, quãng đường vận chuyển vào một số vị trí thi công như: cầu Km 48+400, cầu Km 49+657... dài gần 40km.

“Bãi đúc ở xa, các công trình cầu nằm sâu trong đồi núi, khó tiếp cận. Trong khi đó, gói thầu 3-XL không có đường công vụ riêng biệt, xe chở dầm bắt buộc phải đi tuyến chính, cao điểm gác dầm rơi đúng vào mùa mưa. Thách thức với nhà thầu là vô cùng lớn”, kỹ sư Lưu nói và nhớ lại khoảng thời gian nền đường tuyến chính cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang trong quá trình đắp đất, những chiếc xe siêu trường, siêu trọng chở dầm vừa đi, vừa phải canh thời tiết.

Mỗi xe chở dầm di chuyển lại có máy xúc, máy đào đi theo "hộ tống", kịp thời hỗ trợ khi vào khu vực sình lầy.

Có những xe đang vận chuyển dầm vào công trường bất chợt trời đổ mưa lớn. Tất cả các tổ đội đi theo phải cùng xe nằm chờ cả buổi cho đường khô ráo mới tiếp hành trình.

“Những ngày ấy, thời gian vận chuyển một thanh dầm Super-T nặng 80 tấn có khi mất đến 2 ngày.

Vật lộn với thời tiết khắc nghiệt, địa hình khó khăn, từ tháng 10/2021 - 10/2022, hàng trăm kỹ sư, công nhân của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính đã hoàn thành gác 140 phiến dầm Super-T và gần 50 các phiến dầm loại khác, duy trì ổn định sản lượng thi công tại gói thầu ngay cả trong thời gian dịch bệnh, “bão giá”, kỹ sư Nguyễn Thế Lưu chia sẻ.

"Những ngày không internet"

chuyện băng rừng sâu làm cầu vượt trên cao tốc phan thiết - dầu giây

Tại gói thầu 3-XL dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính tham gia thi công 6 cầu chính tuyến, 18 cầu vượt ngang (Chụp ngày 7/4/2023 - Ảnh: Tạ Hải)

Nhìn vào tuyến cao tốc mới với hệ thống cầu vượt hoàn chỉnh, hiện đại, kỹ sư Trần Hoàng Anh, Giám đốc điều hành gói thầu 3-XL thuộc Công ty Trung Chính vẹn nguyên hình ảnh những ngày đầu tiếp cận khu vực thi công.

Lúc đó, cỏ dại trên mặt bằng cao quá đầu, anh em chỉ cần đi cách nhau 2m là không thể nhìn thấy nhau.

Địa hình hiểm trở, có những ngày nằm ở công địa, mạng internet không có, công trường cách khu dân cư tới 15km, ai nấy đều buồn thiu.

“Cao điểm nhất là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát (đầu tháng 7/2021), mỗi công trường trở thành một “pháo đài” chống dịch, việc đi lại bị hạn chế tối đa. Phải đến 2 - 3 tháng, kỹ sư, công nhân làm cầu trên tuyến sống như “người rừng”, bên cạnh các nhu yếu phẩm được công ty tiếp tế, mọi người lấy việc tự cung tự cấp, tự bắt cá, săn chim làm niềm vui trong thời gian rảnh rỗi.

Nhờ đó, sự căng thẳng về dịch bệnh cũng vơi bớt, tất cả mọi người giữ được tinh thần lạc quan, đảm bảo năng suất thi công ngay giữa tâm dịch”, kỹ sư Trần Hoàng Anh kể.