Những ngày qua, người dân cả nước vẫn chưa hết bàng hoàng, xót xa khi đọc những tin tức về việc bé trai 5 tuổi ở Thái Bình bị bỏ quên trên xe đưa đón suốt 11 tiếng dưới trời nắng nóng, dẫn đến tử vong.
Đáng nói đây không phải lần đầu xảy ra việc trẻ bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh. Cách đây 5 năm, một học sinh trường quốc tế Gateway ở Hà Nội cũng tử vong tương tự.
Ngay lúc đó, hồi chuông cảnh báo về việc xe đưa đón học sinh không đảm bảo an toàn đã được gióng lên, thế nhưng, những vụ việc tương tự vẫn xảy ra.
PGS. TS Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT Hà Nội cho biết, xe đưa đón học sinh hiện nay được coi như một loại xe dịch vụ hoạt động trên cơ sở hợp đồng vận tải ký giữa nhà trường và doanh nghiệp vận tải.
Các phương tiện được sử dụng là xe chở khách thông thường, không phải xe buýt chuyên dụng chở học sinh (school bus) như ở nước ngoài. Đáng ngại, một số doanh nghiệp còn đưa xe từng được sử dụng chở khách du lịch và tuyến cố định liên tỉnh nhưng đã cũ nát để chở học sinh, tiềm ẩn nguy cơ lớn về mất an toàn.
Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần phải có những quy định cụ thể về phương tiện với những đặc thù riêng đối với xe đưa đón học sinh.
Theo thông tin của Báo Giao thông, Bộ GTVT đã xây dựng, hoàn thiện và đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Quy chuẩn sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT & BVMT) đối với xe ô tô.
Tại dự thảo này, Bộ GTVT đề xuất quy định riêng ATKT & BVMT đối với xe chở học sinh.
Cụ thể, dự thảo quy định, ô tô chở học sinh phải được trang bị thiết bị quan sát toàn bộ khu vực hành khách thông qua gương chiếu hậu bên trong và hệ thống camera giám sát bên trong để giám sát hành vi của lái xe, hành vi của giám hộ học sinh và hành vi của học sinh trên xe.
Có hệ thống còi báo động, âm thanh khẩn cấp hoặc liên lạc trực tiếp đến lái xe hoặc người quản lý học sinh để cảnh báo khi có học sinh bị bỏ quên trên xe, thời gian không quá 15 phút.
Tại Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), ngay từ năm 2018, các xe buýt của hãng Emirates Transport chuyên phục vụ học sinh tới trường đều được trang bị cảm biến thông minh hoạt động khi xe buýt dừng hoặc đóng cửa. Thiết bị này giúp phát hiện bất kỳ đồ vật hay học sinh nào bị bỏ quên trên xe và nhanh chóng phát cảnh báo nếu có tiếng động lớn.
Một thành viên trong ban soạn thảo cho biết, quy định trang bị hệ thống cảnh báo đến lái xe hoặc người quản lý học sinh nếu phát hiện có trẻ bị bỏ quên trên xe thực tế đã được triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Hệ thống này có thể là thiết bị cảm biến thân nhiệt, cảm biến chuyển động, ứng dụng camera AI trên xe. Thiết bị có thể được trang bị tiêu chuẩn trên xe school bus hoặc các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải đưa đón học sinh có thể tự trang bị cho phương tiện.
Một chuyên gia giao thông cho biết, đề xuất này rất cần thiết, bên cạnh trách nhiệm của lái xe, người quản lý học sinh cần kiểm tra, rà soát học sinh trên xe trước khi kết thúc hành trình thì việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp tăng cường công tác kiểm soát, hạn chế rủi ro và ngăn chặn triệt để tình trạng trẻ bị bỏ quên.
"Cần nhanh chóng ban hành quy chuẩn và có hướng dẫn cụ thể để các đơn vị sản xuất, nhập khẩu phương tiện, đơn vị kinh doanh dịch vụ đưa đón học sinh thực hiện, từ đó góp phần đảm bảo an toàn cho trẻ đến trường", chuyên gia này nhấn mạnh.
Đáng chú ý, tại quy định riêng về ATKT &BVMT đối với xe chở học sinh, dự thảo Quy chuẩn còn quy định phương tiện phải được thống nhất một màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe. Mặt trước và cạnh 2 bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe buýt trường học.
Xe phải có biển hiệu, có biển báo hiệu dừng đỗ, biển cảnh báo các phương tiện khác không được vượt khi xe đang đỗ ở bến để đón, trả học sinh. Đồng thời, được trang bị thiết bị giới hạn tốc độ không vượt quá 80km/h.
Ghế ngồi phải được trang bị loại dây đai an toàn hai điểm; Được lắp đặt trên xe ít nhất một bộ sơ cứu, trang bị bình chữa cháy; Có camera bên ngoài để giám sát tình trạng phía ngoài cửa lên xuống.
Theo ban soạn thảo, việc quy định một màu sắc chung giúp tăng tính nhận diện, phân biệt với các loại phương tiện khác, từ đó người tham gia giao thông biết và chủ động nhường đường khi cùng lưu thông với xe chở học sinh.
Mặt khác, hầu hết các nước trên thế giới, xe school bus cũng được sơn màu vàng đậm, việc quy định màu đặc trưng giúp xe nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam không phải sơn lại mà có thể sử dụng ngay để đưa đón học sinh.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu và lịch sử phát triển của xe chở học sinh của các nước trên thế giới còn cho thấy, màu vàng đậm có tác động mạnh đến mắt của người nhìn, từ đó, tăng khả năng nhiện diện xe ngay cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như: sương mù, mưa, ban ngày hay trời tối. Điều này có ý nghĩa quan trọng giúp ngăn ngừa tai nạn dành cho xe chở học sinh.
TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh VP Uỷ ban ATGT Quốc gia cũng cho rằng, quy định màu sơn riêng, thậm chí có thể hướng đến chung một kiểu dáng để tạo đặc trưng riêng cho xe buýt học sinh là tốt nhất.
Từ đó, cũng cần nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu tiên cho loại phương tiện này, đơn cử như có thể ưu tiên bố trí các điểm dừng đón/trả học sinh gần khu vực các cổng trường học, ưu tiên làn đường khi di chuyển,…
Tuy nhiên, ông Tạo cũng lưu ý về lộ trình thực hiện, ông đề xuất, thời gian đầu có thể cho phép các đơn vị vận tải tận dụng phương tiện sẵn có, hoàn thiện các hạng mục gắn trên xe, trong đó quan trọng nhất là màu sơn xe, hệ thống cảnh báo phát hiện trẻ bị bỏ quên, thiết bị giám sát hành trình, giám sát khoang hành khách, người lái xe.
Đồng thời, quy định mốc thời gian cụ thể chuẩn hóa loại hình phương tiện này để các doanh nghiệp chủ động trong đầu tư.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, khi Quy chuẩn được ban hành cùng với các quy định mới về hoạt động vận tải xe đưa đón học sinh tại hai dự thảo Luật Đường bộ và Luật TTATGT sắp thông qua, cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi cho các đơn vị đầu tư phương tiện, tham gia kinh doanh dịch vụ này.
Để từ đó có thể xây dựng mô hình xe học sinh (school bus) chuyên dụng ở Việt Nam, đảm bảo an toàn cho trẻ đến trường, hạn chế xe cá nhân vào giờ cao điểm, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.