Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông (TTATGT), Bộ Công an đề xuất đưa nhiều nội dung liên quan đến phương tiện vào hành vi bị nghiêm cấm.
Cụ thể, nghiêm cấm cải tạo các xe ô tô loại khác thành xe ô tô chở người; tự ý thay đổi kết cấu, hình dáng, bố trí, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Chủ phương tiện cũng ko được cải tạo, lắp đặt thêm hoặc tháo bỏ phụ tùng liên quan đến an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện khi tham gia giao thông so với thiết kế, thông số kỹ thuật của nhà sản xuất đã được phê duyệt; tự ý cắt, hàn, tẩy xóa, đục lại số khung, số máy của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.
Ngoài ra, các hành vi tự ý can thiệp, thay đổi phần mềm điều khiển của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, động cơ đã được đăng ký với cơ quan quản lý, nhằm mục đích gian lận kết quả kiểm tra, thử nghiệm, kiểm định cũng bị nghiêm cấm.
Như vậy, chủ phương tiện không được tự ý cải tạo xe. Nếu muốn cải tạo, chủ phương tiện phải thực hiện thủ tục cải tạo phương tiện với phương án cải tạo cụ thể (đi kèm bản vẽ thiết kế cải tạo tuỳ từng hạng mục) để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi được phê duyệt mới thực hiện việc cải tạo và vẫn cần phải nghiệm thu, kiểm định lại phương tiện sau cải tạo.
Bên cạnh đó, so với quy định hiện hành (tại Luật Giao thông đường bộ 2008), dự thảo Luật TTATGT đã bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm như: tự ý thay đổi chỉ số trên đồng hồ báo quãng đường đã chạy của xe ô tô hay thay đổi phụ tùng xe cơ giới để tạm thời đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của xe khi đi đăng kiểm.
Thực tế, đây là những hành vi diễn ra phổ biến trên thực tế, nhiều trường hợp xe cũ bị tua công tơ mét để nâng giá trị xe, song cũng không ít tình huống chủ xe công khai có nhu cầu thuê phụ tùng "zin" của phương tiện để lắp đặt cho xe đã "độ" mà chưa qua phê duyệt cải tạo nhằm qua mặt đơn vị đăng kiểm.
Theo các chuyên gia, việc bổ sung các quy định này vào hành vi bị nghiêm cấm là cơ sở để xây dựng chế tài xử phạt, ngăn chặn tình trạng này xảy ra, giúp đảm bảo an toàn kỹ thuật cho phương tiện.
Theo quy định hiện hành, chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể chế tài đối với hành vi tua công – tơ – mét ô tô, thay thế phụ tùng để đưa xe đi kiểm định, do đó, lực lượng chức năng chưa có căn cứ để xử phạt.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết thêm, với hành vi tua công - tơ - mét nếu tham chiếu đến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể là hành vi gian dối thì mức xử phạt hiện vẫn còn thấp, chưa đủ sức răn đe.
Nở rộ tua công-tơ-mét ô tô để trục lợi