Cabin tập lái điện tử gần 500 triệu đồng/cái, có hiệu quả không?

Dự kiến chương trình đào tạo lái xe ô tô mới sẽ quy định mỗi học viên phải có tối thiểu 3 giờ tập luyện trên cabin điện tử. Điều đáng nói giá một cabin này tầm 500 triệu đồng, bằng một chiếc xe 4 chỗ đời mới.


Gần 400 cơ sở đào tạo lái xe trên toàn quốc sẽ phải đầu tư cabin tập lái điện tử? Còn nếu không đầu tư, liệu chất lượng đào tạo lái xe có giảm sút?. Tuổi Trẻ Online trân trọng giới thiệu bài viết của một người trong cuộc để bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh hơn.


Đã quy định từ năm 2001, đến 2007 thì bỏ


Cabin điện tử (hay cabin tập lái 3D) đang được giới thiệu như là một "công nghệ hiện đại", một cách thức mới để "nâng cao chất lượng đào tạo lái xe ô tô".


Cụ thể: người học sẽ tập lái mô phỏng trên nhiều loại đường, điều kiện thời tiết, tình huống giao thông khác nhau.


Trên thực tế, từ năm 2001 các cơ sở đào tạo lái xe ô tô đã phải trang bị cabin điện tử cho phòng học kỹ thuật lái xe, theo quy định của Bộ GTVT. Lúc đó, phần lớn những cabin này được nhập khẩu với giá khoảng 200 triệu đồng.


Tuy nhiên, đến năm 2007 cho đến nay, quy định mới về đào tạo lái xe ô tô lại bỏ yêu cầu trang bị cabin điện tử. Từ đó, cabin điện tử không còn được sử dụng phổ biến trong đào tạo lái xe ô tô ở nước ta.  


Hiệu quả đào tạo chưa rõ


Cabin điện tử 3D do công ty trong nước sản xuất năm 2010 - Ảnh: Automation.net.vn


Mặc dù đã được sử dụng trên phạm vi toàn quốc trong gần 7 năm và dự kiến tới đây sẽ lại bắt buộc sử dụng trở lại, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu hay đánh giá nào về hiệu quả của cabin điện tử với chất lượng đào tạo lái xe ô tô tại nước ta được công bố. Đây là một điều đáng tiếc cho việc xây dựng chính sách, quy định và chương trình đào tạo lái xe ô tô.


Trong khi đó, nhằm xác định xem việc sử dụng thiết bị mô phỏng để đào tạo có giúp giảm tai nạn, vi phạm giao thông hoặc có kỹ năng lái xe an toàn hơn so với không sử dụng thiết bị hay không, các nhà khoa học của Đại học Granada (Tây Ban Nha) đã đánh giá 2.888 nghiên cứu riêng biệt được công bố trên các cơ sở dữ liệu khoa học thế giới từ trước đến nay.


Kết quả cho thấy chưa có bằng chứng nào để ủng hộ cũng như bác bỏ. Nghĩa là, chưa thể khẳng định hay phủ nhận được hiệu quả của thiết bị mô phỏng trong đào tạo lái xe ô tô. Nghiên cứu này được công bố trên một trong những tạp chí hàng đầu về giao thông là Transportation Research Part F (ISSN: 1369-8478), số 62, năm 2019.


Thiết bị đắt tiền


Từ các vấn đề nêu trên, có thể nhận định rằng sử dụng cabin tập lái điện tử, dù sản xuất trong hay ngoài nước, dù theo công nghệ hiện đại hay không, đều chưa thể giúp "nâng cao chất lượng đào tạo lái xe ô tô".


Tập lái trên hiện trường - Ảnh: NGUYỄN XUÂN TRUNG


Tác dụng của nó, có lẽ, là tiết kiệm nhiên liệu và mang lại thêm một trải nghiệm mới cho người học hoặc giúp những người bước đầu còn tâm lý e sợ làm quen với việc lái xe.


Với giá thành đã nêu, giả sử mỗi cơ sở đào tạo chỉ mua 2 cabin điện tử thì số tiền bỏ ra không dưới 1 tỷ đồng. Cả nước với 386 cơ sở đào tạo lái xe sẽ phải chi tầm 386 tỷ đồng. Đây là một chi phí không nhỏ và thực sự đắt đỏ so với hiệu quả dự kiến mang lại. Mặt khác, giữa việc bỏ tiền mua một chiếc ô tô đời mới, dù chỉ là loại giá rẻ, và mua cabin điện tử để tập lái thì rõ ràng mua ô tô sẽ mang lại nhiều ích lợi hơn và hiệu quả hơn.


Vì thế, việc có sử dụng cabin điện tử hay không, phải là sự lựa chọn của cơ sở đào tạo chứ không nên quy định bắt buộc.


Hơn nữa, khi mà nội dung sát hạch thực hành lái xe ô tô hoàn toàn không thay đổi, e rằng học hay không học trên cabin điện tử cũng chẳng có ảnh hưởng gì. Nếu bắt buộc thì các cơ sở đào tạo vẫn phải mua, còn sử dụng hay không thì khó kiểm tra được hết.


Khả năng mô phỏng của thiết bị vẫn còn là dấu hỏi


Cabin điện tử thực chất là thiết bị mô phỏng, từ lâu đã được thế giới sử dụng trong nghiên cứu và đào tạo lái xe, nhưng là do lựa chọn của từng cơ sở đào tạo chứ không phải bắt buộc toàn bộ như ở nước ta.

Tập lái trên cabin điện tử của Hàn Quốc, tại Trường Trung học GTVT Huế - Ảnh: NGUYỄN XUÂN TRUNG


Ưu điểm dễ thấy nhất của nó là thuận lợi để đo lường, đánh giá (trong nghiên cứu) và tiết kiệm nhiên liệu (trong đào tạo). Tuy vậy, khả năng mô phỏng của thiết bị so với thực tế là một vấn đề. Cảm giác khi quay tay lái, đạp phanh hay ngồi trên xe ô tô rất khác với cabin điện tử. Đây gọi là "cảm giác lái", là thứ mà không thiết bị mô phỏng nào tạo ra được.


Các nhà khoa học tại đại học Sunshine Coast (Úc) và đại học Otago (New Zealand) đã phát hiện ra rằng một nửa số thiết bị nghiên cứu mô phỏng lái xe ô tô phù hợp với điều kiện thực, một phần ba sai khác hoàn toàn, số còn lại thì lúc sai lúc đúng.


Khi xem xét theo các thông số tốc độ trung bình, sự thay đổi tốc độ, vị trí xe trên làn, hiệu suất lái xe tổng thể và số lỗi lái xe thì trong cùng một thiết bị lại có thông số đúng, thông số sai, hoặc cùng một thông số nhưng đúng ở thiết bị này mà sai ở thiết bị khác. Do vậy, các tác giả khuyến cáo cần phải cải thiện các nghiên cứu về mô phỏng lái xe ô tô, đặc biệt là thiết kế thiết bị mô phỏng và môi trường mô phỏng. Kết quả nghiên cứu này đã được công bố năm 2019 trên tạp chí danh tiếng Safety Science (ISSN: 0925-7535), số 117.