Theo các DN đầu mối, việc tăng chi phí vào kỳ điều hành ngày 11/11 vẫn chưa đủ làm dịu thị trường xăng dầu, vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ.
Tăng chi phí vẫn chưa đủ bù lỗ?
Hình ảnh chờ hàng tiếng đồng hồ giữa trưa nắng, lúc nửa đêm để đợi đến lượt mua xăng, hay việc dắt bộ hàng cây số tìm nơi đổ xăng... đã trở thành “cú sốc” tâm lý đối với nhiều người dân những ngày qua.
Nhiều nguyên nhân được cơ quan quản lý và chuyên gia chỉ ra. Mấu chốt của việc đứt gẫy nguồn cung hiện nay là giải bài toán chi phí kinh doanh xăng dầu để tháo gỡ tình trạng “càng bán càng lỗ” của các doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cũng đã chốt phương án tăng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam đối với nguồn nhập khẩu để tính giá cơ sở xăng dầu. Dự kiến sẽ áp dụng ngay ở kỳ điều hành giá chiều nay 11/11.
Cụ thể, mức chi phí mới với xăng nền để phối trộn xăng E5 RON 92 lên ngưỡng 640 đồng/lít, xăng RON 95 ngưỡng 1.280 đồng/lít, Dầu diesel 0,05S là 730 đồng/lít, dầu hỏa là 1.740 đồng/lít, dầu mazut 180cst 3,5S là 1.290 đồng/kg.
Với mức giá mới, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng thêm 290 đồng/lít với xăng nền pha chế xăng E5 RON 92 và tăng 560 đồng/lít với RON 95, tăng 160 đồng/lít với dầu diesel 0,05S... tương ứng với mức tăng từ 5-83% tùy loại.
Còn với Premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng, theo Bộ Tài chính, các khoản chi phí này theo số liệu từ các thương nhân đầu mối cho thấy, không phát sinh đột biến.
Tuy nhiên, theo đánh giá từ doanh nghiệp đầu mối, mức tăng này vẫn chưa đủ bù đắp được các chi phí phát sinh.
Một DN đầu mối cho biết, họ đề xuất với Bộ Tài chính mức tăng thêm chi phí ngưỡng 940-1.140 đồng/lít với xăng nền và xăng RON 95, ngưỡng 1.530-2.150 đồng/lít với dầu diesel 0,05S, ngưỡng 2.240-2440 đồng/lít với dầu hỏa và dầu mazut ở ngưỡng 1.850-2.150 đồng/lít.
Báo cáo từ Tập đoàn xăng dầu Việt Nam cũng cho thấy, so sánh với định mức hiện hành áp dụng trong giá cơ sở, thì chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam với xăng nền (mặt hàng xăng khoáng để pha chế xăng E5 RON92) đang chênh lệch 622 đồng/lít, xăng RON 95 là 551 đồng/lít; các mặt hàng dầu chênh lệch từ gần 279-681 đồng/lít.
Tức là, mức giá mới đề xuất từ Bộ Tài chính chưa đủ bù mức chênh lệch trên. Đơn cử, nếu áp giá mới, DN vẫn âm 322 đồng/lít với xăng nền, khoảng 20-200 đồng/lít với các loại dầu.
Chưa kể, còn chênh lệch chi phí premium nguồn trong nước ngưỡng 70-120 đồng/lít các loại mặt hàng; chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về các cảng hiện ngưỡng gần 36-60 đồng/lít; và khoảng 184-598 đồng/lít với chi phí định mức...
Ngoài các chi phí trên, một DN đầu mối khác còn kiến nghị, cần phải tính chi phí dự trữ xăng dầu vào trong chi phí kinh doanh xăng dầu.
Theo quy định, DN đầu mối phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng 20 ngày cung ứng. “Lượng dự trữ này sẽ chiếm dụng một lượng vốn nhất định và DN đầu mối cũng phải chịu lãi cho khoản đó. Chưa kể chi phí thuê kho bồn lưu trữ và vận hành...”, theo vị thương nhân.
Trong khi đó, dự kiến lần điều chỉnh này, Bộ Tài chính không điều chỉnh các loại chi phí trên, với lý do “số liệu từ các thương nhân đầu mối cho thấy, không phát sinh đột biến”.
Còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ
Ngoài việc cần tính đúng, tính đủ, điều chỉnh ngay các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhấn mạnh việc hướng dẫn các đầu mối, các thương nhân phân phối nguyên tắc phân chia chi phí khoản định mức cho từng khâu để tránh tình trạng chèn ép nhau trong thỏa thuận phân chia chi phí, từ đó chấm dứt tính trạng chiết khấu 0 đồng, chiết khấu âm (DN chịu thêm chi phí vận chuyển).
Bên cạnh đó, tháo gỡ khó khăn về vốn vay cũng được vị chuyên gia đặc biệt quan tâm, trong bối cảnh ngân hàng cạn "room" tín dụng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn vay của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để mua xăng dầu trong nước và nhập khẩu theo hạn mức nhập khẩu đã được phân giao.
Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại được giao nhiệm vụ chỉ đạo sát sao trong toàn hệ thống, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu có đủ điều kiện theo quy định. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, thiếu trách nhiệm gây chậm trễ trong công tác tín dụng.
Dù vậy, sau khi họp với 2 ngân hàng lớn (ngày 11/10) một DN đầu mối lớn cho Báo Giao thông biết, ngân hàng đồng ý cho tăng hạn mức tín dụng. Tuy nhiên, vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định của ngân hàng.
“DN không nợ thuế, kinh doanh tốt sẽ được tăng, còn DN có nợ thuế sẽ khó”, vị này nói và cho rằng, sẽ không giải quyết được nhiều các vấn đề hiện nay.
“Theo tôi, trong 33 DN đầu mối, thì chỉ khoảng 12-15 DN đầu mối đáp ứng được các điều kiện của ngân hàng sẽ được tăng”, theo vị thương nhân.
Vị này giải thích thêm, DN cần tăng hạn mức tín dụng bởi vì, cùng một lượng tiền nhưng sản lượng mua được thấp hơn một nửa so với trước đây.
Ví dụ, bây giờ hạn mức vốn vay của DN là 1.000 tỷ đồng/tháng (ngân hàng cho nợ 30 ngày). Với số tiền này trước đây mua nhập khẩu được 2 tàu xăng dầu khoảng 50-60 nghìn lít, nhưng nay chỉ nhập được 30 nghìn lít.
“Vì thế, nếu muốn mua bằng sản lượng, tức là tiền vốn phải cao hơn. Chưa kể họ lỗ nặng, cần thêm một khoản tiền bù vào khoản lỗ đó...”, vị này khẳng định đó cũng là nguyên nhân của thiếu hụt hàng thời gian vừa qua.
Được biết, đứng đầu danh sách xin “nới” quy định vay, Petrolimex kiến nghị Vietcombank không tính trong giới hạn tăng trưởng tín dụng đối với các khoản vay tổng cộng 2.500 tỷ đồng và Công ty CP thương mại dầu khí Đồng Tháp đề xuất Vietcombank, bổ sung vay vốn 1.000 tỷ đồng để thanh toán tiền mua hàng từ các nhà máy lọc dầu trong nước và nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài…
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện ngân hàng Vietcombank cho biết, 2 DN trên đều là đối tác truyền thống của họ trong nhiều năm qua. Do đó, họ được ưu tiên cấp tín dụng, tăng hạn mức cấp tín dụng.
Tuy nhiên, việc này sẽ được đánh giá theo đúng nhu cầu sử dụng, tình hình tài chính của khách hàng và các quy định khác của Pháp luật và Ngân hàng Nhà nước.
Liên quan đến phản ánh từ DN về việc, còn hạn mức tín dụng cũng khó vay được tiền khi phải có tài sản đảm bảo 100%, phía đại diện ngân hàng nhấn mạnh: Việc cấp hạn mức tín dụng, điều kiện cho vay và quy định về tài sản đảm bảo đối với khách hàng được đánh giá trên cơ sở phù hợp với tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh của khách hàng và phương án sử dụng vốn khả thi.
Như vậy, có thể thấy, vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ để ổn định thị trường xăng dầu trong thời gian tới. Việc mà cơ quan điều hành cần làm ngay lúc này là cùng bàn luận giải pháp cụ thể, tránh việc “đùn đẩy” nhau về trách nhiệm!.
Sắp hết thời điểm giảm thuế… cần xử lý sớm
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng, chủ còn 1 tháng rưỡi nữa sẽ bắt đầu trở lại việc hoàn Thuế Bảo vệ môi trường, do đó, nếu không xử lý sớm thì việc tăng đột ngột sẽ càng khó cho DN.
Nguyện vọng của DN, nhãn tiền vẫn là đảm bảo nguồn hoạt động và DN rất mong muốn có những giải pháp kịp thời.
Bên cạnh đó, theo luật giá, xăng dầu là một mặt hàng trong danh mục bình ổn nằm trong Luật Giá. Luật Giá quy định, kể cả luật trong danh mục nhà nước định giá thì hiện tại xăng dầu do nhà nước định giá phải đảm bảo chi phí, lợi nhuận hợp lý cho DN.
"Đấy là nguyên tắc đầu tiên của luật giá, nhưng nằm trong bối cảnh hiện nay chúng ta phải tìm ra phương thức hợp lý", ông Bảo nói và kiến nghị, để đảm bảo các DN nhập khẩu về không lỗ thì sử dụng quỹ bình ổn để bù đắp cho khoản lỗ.
Theo ông Bảo, biện pháp vừa làm dung hoà được giá bán cho người dùng và cũng là biện pháp cam kết với DN. Tuy nhiên, ông băn khoăn, cơ chế xử lý này liệu đã đúng chưa khi chưa có quy định.
Hoặc với phương án thứ hai là trích từ những DN mua xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước, DN nhập khẩu thì được chi. Lúc đó, người tiêu dùng phải chịu giá cao, nhưng nó đảm bảo được một mặt bình đẳng đối với tất cả các DN, tổ chức kinh doanh.