13 dự án PPP cao tốc phân cấp địa phương đang triển khai thế nào?

Bốn dự án trình thẩm định phê duyệt đầu tư trong tháng 2/2023

Thông tin về tình hình thực hiện 13 dự án cao tốc được giao địa phương làm cơ quan có thẩm quyền, Bộ GTVT cho biết, tính đến nay, 5 dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư đang lập dự án đầu tư; 1 dự án đang trình chủ trương đầu tư; 7 dự án đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

13 dự án ppp cao tốc phân cấp địa phương đang triển khai thế nào?

Trong 5 dự án PPP được phê duyệt chủ trương đầu tư, 4 dự án: Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương dự kiến trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong tháng 2/2023 - Ảnh minh họa.


Cụ thể, trong 5 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô (UBND TP Hà Nội là cơ quan chủ quản) đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi. Công tác GPMB, thu hồi đất được các địa phương triển khai song song. Hà Nội đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục liên quan, phấn đấu khởi công trong tháng 6/2023.

Đối với 2 dự án đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn là cơ quan có thẩm quyền) và Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Cao Bằng là cơ quan có thẩm quyền), các địa phương đã cơ bản hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi và các thủ tục khác có liên quan (báo cáo đánh giá tác động môi trường, khung chính sách về GPMB, tái định cư, chuyển đổi đất rừng, …), dự kiến trình thẩm định trong tháng 2/2023.

Về công tác GPMB, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đã hoàn thành hồ sơ và đang triển khai cắm cọc GPMB tại hiện trường, sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ tổ chức bồi thường, thu hồi đất.

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, đoạn qua địa phận tỉnh Cao Bằng đã hoàn thành hồ sơ, đang triển khai cắm cọc GPMB tại hiện trường. Đoạn qua địa phận tỉnh Lạng Sơn đang lập hồ sơ GPMB.

Hai dự án đoạn Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương (Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền) đang được địa phương tích cực phối hợp với nhà đầu tư đề xuất dự án để hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi và các thủ tục liên quan. Dự kiến, báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ phê duyệt quý 2/2023, khởi công xây dựng trong năm 2023.

“Riêng dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đang trình chủ trương đầu tư, trên cơ sở ý kiến các bộ, ngành, UBND TP.HCM đang chỉ đạo các cơ quan tiếp thu, hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến trình hội đồng thẩm định chủ trương đầu tư trong tháng 2/2023”, Bộ GTVT thông tin.

13 dự án ppp cao tốc phân cấp địa phương đang triển khai thế nào?

7/13 dự án PPP giao thông phân cấp cho địa phương làm cơ quan có thẩm quyền đã được cân nhắc, lựa chọn phương án đầu tư - Ảnh minh họa.

Rõ dần phương án đầu tư 7 tuyến cao tốc mới

Đối với 7 dự án đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, theo Bộ GTVT, ngay sau khi được giao là cơ quan có thẩm quyền, các địa phương đã phối hợp với Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan cân nhắc, lựa chọn phương án đầu tư.

Trong đó, dự án cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo (Quảng Trị là cơ quan có thẩm quyền) được đề xuất đầu tư với chiều dài khoảng 56 km, quy mô 4 làn xe. Giai đoạn phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m.

Tổng mức đầu tư dự án ước khoảng 7.938 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước khoảng 3.969 tỷ đồng; Vốn nhà đầu tư huy động khoảng 3.969 tỷ đồng, chiếm 50%.

Dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền) được đề xuất đầu tư chiều dài hơn 59 km. Giai đoạn phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m. Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 17.300 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước tham gia khoảng 8.650 tỷ đồng, (chiếm 50%, kiến nghị bố trí từ ngân sách TƯ); Phần vốn còn lại do nhà đầu tư huy động.

Dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Thái Bình làm cơ quan có thẩm quyền triển khai đoạn Ninh Bình - Thái Bình.

Sau khi nghiên cứu và làm việc với các bộ, ngành, địa phương liên quan, tỉnh Thái Bình đề xuất tách đoạn qua tỉnh Ninh Bình thành dự án độc lập, giao UBND tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ quản triển khai theo hình thức đầu tư công.

Đồng thời, giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền triển khai cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn qua tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình, dài khoảng 62 km, quy mô phân kỳ 4 làn xe, bề rộng nền đường 19 m) theo phương thức PPP.

Công tác GPMB được kiến nghị thành tiểu dự án do UBND tỉnh Nam Định, Thái Bình thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách địa phương.

Tổng mức đầu tư dự án PPP khoảng 15.419 tỷ đồng (không bao gồm chi phí GPMB và lãi vay giai đoạn xây dựng). Trong đó, vốn nhà nước khoảng 8.017 tỷ đồng (49,4%), vốn nhà đầu tư khoảng 8.211 tỷ đồng (50,6%). Thời gian hoàn vốn khoảng 27,5 năm.

Dự án thứ tư là cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành (UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền) được lên phương án đầu tư với chiều dài khoảng gần 129 km. Giai đoạn phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 19m.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 25.571 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước tham gia khoảng 9.800 tỷ đồng, chiếm khoảng 38% (kiến nghị ngân sách TƯ hỗ trợ 5.800 tỷ đồng); Vốn nhà đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 62%. Thời gian hoàn vốn khoảng 17 năm 4 tháng.

Với dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (UBND tỉnh Tây Ninh là cơ quan có thẩm quyền), theo quy hoạch được duyệt, tuyến cao tốc có chiều dài 65 km.

UBND tỉnh Tây Ninh đã đề xuất giai đoạn 1 triển khai trước đoạn Gò Dầu - TP Tây Ninh, nối từ cao tốc TP.HCM - Mộc Bài tới TP Tây Ninh với chiều dài khoảng 27,82 km, quy mô 4 làn xe hạn chế.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 6.226 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước khoảng 2.944 tỷ đồng, chiếm 47,3% (kiến nghị cân đối từ ngân sách TƯ); Vốn nhà đầu tư khoảng 3.282 tỷ đồng, chiếm 52,7%.

Đối với dự án Đường Vành Đai 4 - TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND TP.HCM và các tỉnh: Long An, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền triển khai các đoạn qua địa phận của địa phương.

Theo quy hoạch được duyệt, dự án có quy mô 8 làn xe cao tốc. Các địa phương đề xuất đầu tư giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe cao tốc, hai bên bố trí hệ thống đường gom/đường song hành.

Cụ thể, đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (18,2 km) đề xuất đầu tư quy mô cao tốc 4 làn xe, đường gom/đường song hành từ 1 - 2 làn xe. Tổng mức đầu tư hơn 7.700 tỷ đồng (Vốn nhà nước khoảng 2.819 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư khoảng 4.953 tỷ đồng).

Đoạn qua tỉnh Đồng Nai (45,6 km) đầu tư quy mô cao tốc 4 làn xe, đường gom/đường song hành 1 - 2 làn xe. Tổng mức đầu tư dự kiến 21.897 tỷ đồng (Vốn nhà nước tham gia khoảng 14.161; vốn nhà đầu tư khoảng 7.736 tỷ đồng).

Đoạn qua tỉnh Bình Dương (48,3 km) đề xuất đầu tư quy mô cao tốc 4 làn xe, đường gom/đường song hành 1 - 2 làn xe. Tổng mức đầu tư khoảng 20.300 tỷ đồng (vốn nhà nước và vốn nhà đầu tư tham gia mỗi bên khoảng 50%).

Đoạn qua tỉnh Long An (78,3 km) đầu tư quy mô cao tốc 4 làn xe, đường gom/đường song hành quy mô 2 làn xe. Tổng mức đầu tư khoảng 43.456 tỷ đồng (vốn nhà nước và vốn nhà đầu tư tham gia mỗi bên khoảng 50%).

Đoạn qua TP.HCM (17 km) được đề xuất đầu tư quy mô cao tốc 4 làn xe, đường gom/đường song hành quu mô 2 làn xe. Tổng mức đầu tư khoảng 13.632 tỷ đồng (vốn nhà nước và vốn nhà đầu tư tham gia mỗi bên khoảng 50%).

“Riêng đoạn dự án tuyến đường từ cửa khẩu Nam Giang - Chu Lai (theo đề xuất của Công ty Trường Hải): Bộ GTVT chưa nhận được báo cáo cụ thể của UBND tỉnh Quảng Nam”, Bộ GTVT cho hay.