Xe bền hay không còn do người sử dụng

Để so sánh các xe về độ bền, cần chung hệ quy chiếu về chủng loại, mục đích sử dụng, các công nghệ trên xe và cả người dùng.


Tôi đồng tình với tác giả bài viết "Xe bền là tiêu chí quan trọng" nhưng không đồng ý với lập luận khi so sánh xe Nhật nổi tiếng hơn xe Hàn về độ bền hay là vì công nghệ, luyện kim Nhật đi trước Hàn. Tôi không đi xe Hàn nên đừng cho rằng tôi bênh xe Hàn.


Đồng thời, tôi cũng cho rằng tác giả đánh giá tiêu chí về độ bền của xe quá sơ sài nên không có giá trị so sánh rõ rệt. Đây cũng là điều mà những người yêu xe Hàn và xe Nhật mắc phải khi tranh cãi với nhau.


Theo tôi, muốn so sánh về độ bền một cách cụ thể (cũng chỉ ở mức tương đối) thì phải so sánh giữa những dòng xe tương đương nhau về nhiều mặt như: chủng loại, đặc thù thiết kế (nhắm đến mục đích sử dụng), các option, năm sản xuất, loại hộp số và cầu dẫn động... Đó là chưa kể đến người sử dụng phải gần như nhau. Không thể so một người chạy "phá xe" với một người luôn giữ gìn, bảo trì xe định kỳ.


Chính vì vậy, chọn ra một cặp xe để so sánh về độ bền là điều rất khó bởi lẽ rất đơn giản không hãng xe nào muốn đối đầu trực tiếp với nhau để lộ ra những điểm yếu của mình. Thực tế các hãng xe họ rất rõ về nhau - không như chúng ta, chỉ giỏi cảm nhận bằng cảm tính về "vợ hai" của mình.


Tôi chẳng bao giờ quan tâm đến sự so sánh giữa xe Hàn và Nhật vì một điều rất đơn giản: mục đích và đối tượng người dùng hãng xe nhắm tới là khác nhau. Một bên chú trọng sự tiện nghi, ngoại hình; còn một bên chú trọng sự thực dụng (nên không có nhiều option chẳng mấy khi cần đến) để dẫn đến sự phổ biến sản phẩm của mình. Vậy thì làm sao so sánh?


Độc giả Trieu Tran