Với sự phát triển ngày càng nhanh của xe điện, các dịch vụ đi kèm, cũng như các loại phụ kiện dành riêng cho xe điện xuất hiện càng nhiều. Thị trường Việt Nam đã xuất hiện phụ kiện tấm ốp gầm bảo vệ pin, được quảng cáo có tác dụng chống va đập cho khối pin, giảm thiểu rủi ro hư hỏng do tác động của ngoại lực, giá từ 3-7 triệu đồng tùy loại xe và chất liệu tấm ốp.
Một nhân viên tư vấn bán hàng của sản phẩm tấm ốp gầm bảo vệ pin xe điện tại TP HCM cho rằng phụ kiện này sẽ không làm mất bảo hành của xe, do việc lắp đặt không khoan thêm lỗ, và gắn vào các lỗ vít đã có sẵn. Ngoài ra các lỗ trên tấm ốp không làm ảnh hưởng đến khả năng tản nhiệt của xe. Người nhân viên này cho biết cơ sở đã lắp đặt tấm ốp gầm cho nhiều mẫu xe điện trong thời gian qua.
Theo chuyên gia kỹ thuật một hãng xe điện tại Việt Nam, việc lắp đặt các tấm ốp bảo vệ pin, cũng như các loại phụ kiện khác liên quan đến pin trên xe điện cần tính tới điều kiện sử dụng thực tế. Nếu xe chỉ chạy ở đô thị, đường quốc lộ thông thường, không cần thiết phải lắp ốp bảo vệ gầm vì sẽ gây tốn kém vô nghĩa.
Trong khi đó, nếu xe thường xuyên chạy đường xấu, nhất là off-road nhiều đá nhọn, nền đường không phẳng thì có thể nghĩ tới việc ốp gầm. Chuyên gia này cho biết, thực tế vỏ khối pin đều đã được tính toán tới việc chịu các tác động từ mặt đường ở mức vửa phải. Vì vậy, chỉ thực sự cần ốp gầm nếu thường xuyên dùng xe trong điều kiện xấu.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý, việc ốp gầm cần lưu ý đến khả năng bảo hành cũng như tính nguyên vẹn của cơ cấu gầm xe. Trong quá trình lắp đặt, nếu không cẩn thận, việc lắp đặt, can thiệp vào các chi tiết gầm không theo quy trình chuẩn của nhà sản xuất có thể gây hư hại đến cảm biến, pin hoặc các bộ phận quan trọng khác. Bên cạnh đó, nếu pin bị hư hỏng và cần sửa chữa, tấm ốp phải được tháo ra, khiến xe phải phát sinh thêm một công đoạn nữa trong quá trình sửa chữa.
Tốt nhất, trước khi ốp gầm, nên tham khảo đại lý chính hãng về việc có được bảo hành pin, gầm hay không nếu xảy ra lỗi, có rủi ro nào cho việc ốp gầm hay không.
Ngoài ra, các phiền toái có thể gặp như tấm ốp dạng lỗ dễ gây kẹt rác, đá, lá cây, bụi bẩn... khiến phần gầm khó vệ sinh. Nếu để tích tụ bẩn nhiều có thể giảm khả năng tản nhiệt của pin.
Để tránh hư hại gầm, chủ xe không nên chạy quá nhanh khi vào những cung đường xấu, hạn chế độ qua ổ gà, gờ hoặc đá lớn. Nếu phát hiện có hư hai cần thông báo với hãng để sửa chữa càng sớm càng tốt.
Trong trong hợp thuê pin, chủ xe có thể mua thêm gói bảo hiểm pin, bên cạnh bảo hiểm thân vỏ, để giảm gánh nặng chi phí sửa chữa nếu khối pin bên trong bị hư hỏng.
Độ an toàn của pin xe điện
Pin là một trong những thành phần nặng nhất của xe điện. Do đó, hầu hết pin xe điện được tích hợp ở phần gầm/sàn xe, nơi có nhiều diện tích để tích hợp các cell pin.
Ngoài ra, đặt pin ở dưới sàn cũng tăng sự ổn định, độ "đầm" khi điều khiển xe. Tuy nhiên, gầm xe cũng là vị trí dễ bị ảnh hưởng bởi các ngoại lực tác động khi lái xe, ví dụ đường xấu, ổ gà, đá tảng, gờ cao... Chính vì thế trên xe điện, phần gầm xe nói riêng, và pin xe điện nói chung thường được tích hợp nhiều lớp bảo vệ, nhằm tăng độ an toàn của xe điện.
Khối pin trên xe điện thường được thiết kế theo kiểu mô-đun, giúp dễ dàng thay thế các cell pin nếu có hư hỏng, thay vì phải thay toàn bộ khối pin. Bên cạnh đó, khung gầm của xe điện thường được gia cố nhằm tăng độ vững chãi, khả năng chịu lực tác động. Cuối cùng, xe điện được tích hợp nhiều cảm biến và hệ thống an toàn, giúp bảo vệ phương tiện lẫn người ngồi trên xe.
Trên thế giới hiện chưa có phụ kiện tấm ốp gầm bảo vệ pin xe điện. Các tấm ốp gầm thường chỉ có ở xe xăng, đặc biệt là các xe dùng để chạy địa hình xấu. Những tấm ốp này thường làm bằng kim loại, giúp bảo vệ các thành phần dưới gầm như cầu, hộp truyền động, hộp số, két nhớt... khỏi bị va đập mạnh.
Ở một số trường hợp đặc biệt, ví dụ như trên mẫu xe điện địa hình Mercedes G-Class EV, nhà sản xuất có tích hợp sẵn tấm ốp gầm để bảo vệ pin khi đi trên địa hình xấu.
Phạm Hải