Nhiều tài xế Việt bật đèn sương mù vô tội vạ

Minh Trí (Hà Nội) cho biết từng nhiều lần bị lóa mắt vì phải đi sau những xe bật đèn sương mù ngay trong thành phố, vào những ngày trời không mưa. "Đèn sương mù sáng hơn đèn hậu rất nhiều, nó khiến mắt tôi rất khó chịu nhưng không thể thoát ra, vì đường tắc, chỉ có thể bò chậm rãi theo phía sau", Trí chia sẻ.

Xe bật đèn sương mù (2 đèn đỏ gần gầm xe, ngang với biển số) khi di chuyển trong đường phố Hà Nội. Ảnh: Đức Huy

Xe bật đèn sương mù (2 đèn đỏ gần gầm xe, ngang với biển số) khi di chuyển trong đường phố Hà Nội. Ảnh: Minh Trí

Bật đèn vô tội vạ, không quan tâm đến chức năng của đèn là tình trạng mà một số tài xế Việt đang mắc phải, đặc biệt khi chạy xe vào buổi tối, như bật đèn pha trong phố, ở quốc lộ, đường cao tốc cả khi đi sát xe phía trước, có xe đi ngược chiều, hoặc bật đèn sương mù khi không cần thiết khiến các tài xế chói mắt.

Đèn sương mù là loại đèn được lắp đặt sát gầm, được bật/tắt riêng, không liên quan tới hệ thống đèn chiếu sáng. Không phải xe nào cũng có đủ loại đèn này. Có xe chỉ lắp phía sau, có xe đủ cả hai phía trước, sau. Đèn sương mù phía sau là một tính năng bắt buộc ở một số thị trường, phổ biến ở châu Âu, ít phổ biến ở Mỹ.

Khác với hệ thống đèn phía trước có thể quan sát rõ tình trạng bật/tắt, để biết được đèn sương mù bật hay tắt thường phụ thuộc vào biểu tượng trên bảng đồng hồ. Biểu tượng đèn sương mù sau đang bật thường màu cam, tia chiếu song song với mặt đường, có dải lượn sóng cắt ngang. Biểu tượng để chỉ đèn sương mù phía trước thường màu xanh, tia chiếu hướng xuống mặt đường.

Biểu thị tình trạng bật đèn ôtô trên bảng đồng hồ từ trái qua: đèn sương mù phía sau, đèn sương mù phía trước, đèn đỗ xe. Ảnh: WapCar

Biểu thị tình trạng bật đèn ôtô trên bảng đồng hồ từ trái qua: đèn sương mù phía sau, đèn sương mù phía trước, đèn định vị. Ảnh: WapCar

Theo AutoTrader, đèn sương mù sau được thiết kế có màu trùng với đèn phanh, nhưng độ sáng cao, tụ lại một điểm giúp các tài xế khác dễ dàng quan sát trong tình trạng tầm nhìn bị giảm, như mưa to, sương mù hoặc bão tuyết. Tương tự, đèn sương mù phía trước được thiết kế để giúp tăng độ nhận diện của phương tiện trong trường hợp thời tiết xấu, mục đích chính không phải để soi sáng mặt đường.

Nếu xe bật đèn sương mù phía sau lúc trời tối, tầm nhìn rõ sẽ khiến mắt của các tài xế khác bị lóa, phải điều tiết liên tục, dễ mỏi, giảm tầm nhìn và tăng tỷ lệ xảy ra tai nạn.

Do đó, chỉ nên bật đèn sương mù trong trường hợp trời mưa to, đường sương mù khiến giảm tầm nhìn. Không nên dùng khi lưu thông trong phố, hoặc khi thời tiết đẹp. Các chuyên gia lái xe an toàn cho rằng nếu thời tiết xấu đến nỗi không quan sát được đường chạy phía trước, nếu có thể tốt nhất tài xế nên tạm dừng lái xe, chờ cho đến khi tầm nhìn được phục hồi.

Bật đèn sương mù vô tội vạ - việc làm gây nguy hiểm cho các xe xung quanh

 

 

Đèn sương mù phía sau trên mẫu Mazda6. Video: Phạm Hải

Bật đèn sương mù phía sau khi đi cao tốc

 

 

Xe SUV bật đèn sương mù phía sau (phía dưới bên trái gần sát gầm) ở cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, điều kiện thời không mưa, khiến xe khác lóa mắt, giảm tầm nhìn. Video: Phạm Hải

Tân Phan