Người dùng xe điện hoang mang vì bị cấm sạc

Huyền Trang (33 tuổi, Hà Nội) gọi điện thoại cho lần lượt từng người bạn ở nhà riêng để dè dặt nhờ chuyện mà cô gọi là "tế nhị": sạc nhờ xe máy điện. Chiếc VinFast Feliz S của cô chỉ còn 20% pin, trong khi chung cư nơi cô ở đã có yêu cầu cấm sạc xe dưới hầm. Bãi gửi xe nơi làm việc ở ngoài trời, không có nguồn điện.

Từ sau thảm họa cháy lớn ở chung cư mini khiến gần 56 người thiệt mạng tại Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội, nhiều thông tin lan truyền cho rằng nguyên nhân gây cháy là bởi xe điện, dù hiện tại cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Lo lắng về an toàn cháy nổ, nhiều chung cư mini, chủ nhà trọ, thậm chí các chung cư lớn ra quy định cấm sạc xe dưới hầm, tầng để xe, thậm chí chấm dứt cho thuê trọ nếu người thuê dùng xe máy điện.

Mạnh Mai, hiện sống ở chung cư phường Linh Đàm (Hà Nội) cho biết, từ sau khi xảy ra thảm họa, bảo vệ chung cư mới yêu cầu phân loại nơi để xe máy, xe đạp điện tách riêng so với xe xăng. "Trước đây xe để lẫn lộn, cũng không có quy định cụ thể nào về sạc hay phòng cháy chữa cháy", Mạnh cho biết. Chung cư này đã xây dựng khá lâu, nên không có thiết kế riêng biệt nào cho khu vực cắm sạc.

Bảo vệ hướng dẫn người dùng xe điện đỗ ở khu vực riêng. Ảnh: Mạnh Mai

Bảo vệ hướng dẫn người dùng xe điện đỗ ở khu vực riêng. Ảnh: Mạnh Mai

Ở một chung cư mới hơn, nhưng Nguyễn Tú (Nghệ An) cũng lâm vào tình trạng "không biết đi đâu về đâu" về hầu hết các chung cư ở đây đều bị cấm sạc xe dưới hầm. Nhiều người dùng xe điện không tìm được nơi sạc đành tháo pin hoặc dắt cả xe lên nhà để sạc.

Bởi những quy định này ở nhiều nơi sinh sống, người dùng xe điện dần bị "triệt đường sạc". "Tôi cảm thấy như mình bị kỳ thị, xe điện trở thành tội đồ, người ta lo lắng và tránh xe như covid-19 giai đoạn đầu", Huyền Trang nói, sau khi gọi cho 5 người bạn cũng được một người giúp đỡ cổng sạc.

Trung tá Phạm Thanh Tâm, Phó đội trưởng PCCC&CHCN khu vực 2, Hà Nội cho biết việc tách riêng khu vực cho xe điện tại những nơi giữ xe là rất cần thiết để giảm rủi ro cháy nổ. Xe điện có thể không phải nguồn phát cháy, nhưng khi cháy sẽ là tác nhân làm vụ cháy thêm nghiêm trọng, nên cần khoanh vùng riêng. Ông Tâm nói thêm lo lắng của người dân về an toàn là cần thiết, nhưng không nên thái quá, bởi "nếu ai cũng cấm, người dùng biết sạc ở đâu".

Chuyên gia phòng cháy chữa cháy cho biết xe điện nếu được kiểm định chất lượng rõ ràng, người dùng tuân thủ quy định sạc thì rủi ro là rất thấp. Tuy vậy, hiện nay trên thị trường, ngoài những hãng lớn có nhà máy như VinFast, Yadea... có đầy đủ giấy tờ chứng nhận, còn lại một lượng rất lớn xe máy điện được bán ở các cửa hàng nhỏ lẻ nhập khẩu từ Trung Quốc không có kiểm định chất lượng, nhiều người dùng, đặc biệt thanh niên lại thích độ chế nên nguy cơ cháy nổ tăng.

Một người dùng đưa xe lên nhà tại chung cư để sạc. Ảnh: Phạm Hải

Một người dùng đưa xe lên nhà tại chung cư để sạc. Ảnh: Phạm Hải

An toàn cháy nổ khi sử dụng ở nhiệt độ cao, môi trường khắc nghiệt là một trong những yêu cầu đầu tiên với các hãng xe máy, ôtô điện. Ngoài việc làm mát, những khối pin lithium-ion còn được bảo vệ để đảm bảo cách nhiệt, tránh các tác nhân dễ gây cháy.

Trang AutoinsuranceEZ nghiên cứu dữ liệu từ Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Mỹ (NTSB), Văn phòng thống kê giao thông (BTS) cũng như dữ liệu triệu hồi xe từ chính phủ Mỹ để xác định xe động cơ đốt trong hay xe điện cháy nhiều hơn. Kết quả được đăng tải vào tháng 11/2022:

Dạng nhiên liệu Số vụ cháy mỗi 100.000 xe bán ra Tổng số vụ cháy
Hybrid 3.475 16.051
Xăng 1.530 199.533
Điện 25 52

Nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ số vụ cháy của xe điện ít hơn đáng kể so với các loại xe xăng và hybrid. Tuy nhiên, số lượng xe điện bán ra còn ít, vì vậy tỷ lệ rủi ro cũng thấp hơn là yếu tố tự nhiên trong thống kê xác suất. Mặt khác, nghiên cứu cũng cho thấy trong 2020, những vụ triệu hồi với xe điện và hybrid về nguy cơ cháy thì nguyên nhân đều từ pin. Có nghĩa là, rủi ro cháy ở xe điện do pin là vẫn có, nhưng hiện ít hơn hẳn so với xe xăng.

Các chuyên gia khuyên, xe điện là phương tiện mới, người dùng cần hiểu biết rõ về cách sử dụng và tuân thủ tuyệt đối những quy định an toàn. Đôi khi những rủi ro không đến từ bản thân chiếc xe, mà đến từ cách người sử dụng.

"Bạn có thể gây cháy cả hệ thống điện gia đình nếu nắm hai nồi nấu lẩu vào một bảng điện với dây dẫn nhỏ không đủ tải cho công suất lớn. Xe điện cũng vậy, chúng ta cần dùng đúng quy cách, đúng chủng loại từ ổ cắm tới dây dẫn, nguồn, thời gian... thì rủi ro cháy nổ là rất thấp", chuyên gia kỹ thuật một hãng ôtô nói.

Minh Hy