Tiến Mạnh (Hà Nội) sử dụng mẫu crossover cỡ trung được 3 năm. Thời gian gần đây, xe của Trung phát ra tiếng động lạ khi rà phanh ở tốc độ thấp, phanh hơi rung dội lên chân. Tiếng động phát ra lục cục đứt đoạn chứ không phải rít lên như bị bó.
"Tôi nghĩ rằng má phanh và đĩa có chỗ vênh, không ăn khít nên khi rà phanh mới phát ra tiếng lục cục liên tục như vậy", Mạnh cho biết. Sau khi mang tới đại lý kiểm tra, anh được kỹ thuật viên thông báo má phanh vẫn dùng tốt, chỉ có đĩa phanh bị xước không đều, bề mặt không phẳng nên tạo ra tiếng kêu.
Không giống như má phanh, đĩa phanh, tuy có hao mòn theo thời gian, là chi tiết không có mốc thay thế cố định trong lịch trình bảo dưỡng của đa số các mẫu xe. Lý do vì độ mòn hoặc hư hại của đĩa phanh phụ thuộc phần lớn vào cách lái xe, điều kiện mặt đường, tần suất dùng phanh và điều kiện thời tiết.
Khi đĩa phanh bị mòn, xước không đều, sẽ khiến diện tích tiếp xúc giữa đĩa và má phanh giảm, gây giảm hiệu quả phanh, phanh rung và có thể phát ra tiếng như mài kim loại hoặc tiếng lục cục, giống trường hợp của Tiến Mạnh. Nếu không xử lý, không nhưng nguy hiểm khi lái xe, mà đĩa phanh sẽ khiến má phanh cũng mòn theo không đều.
Với đĩa phanh của Mạnh, sau khi thử chà đĩa phanh bằng dụng cụ đơn giản nhưng vẫn còn tiếng động, kỹ thuật viên tư vấn cần láng lại đĩa phanh.
Láng đĩa phanh là cách dùng máy chuyên dụng để mài phẳng đĩa phanh, loại bỏ gỉ sét, xước dăm, khôi phục hiệu suất. Tại Việt Nam thường có hai cách láng đĩa, là láng trực tiếp và tháo rời. Với cách láng trực tiếp, kỹ thuật viên sẽ dùng máy mài cầm tay để làm phẳng bề mặt đĩa mà không cần phải tháo bánh, ưu điểm của cách này là tiện lợi, kỹ thuật viên không cần canh chỉnh nhiều vì quá trình láng diễn ra tự động. Với cách tháo rời đĩa, việc láng được thực hiện một cách thủ công bằng máy tiện, do đó độ chính xác phụ thuộc chủ yếu vào tay nghề kỹ thuật viên mới có thể láng đĩa một cách chính xác.
Do đó cách dùng máy láng trực tiếp trên xe được các xưởng ưa dùng hơn. Thông thường, giá của láng đĩa tùy thuộc vào kích cỡ đĩa phanh, dao động từ 200.000-500.000 đồng cho một đĩa. Theo các chuyên gia, việc láng đĩa chỉ nên thực hiện 2-3 lần, sau mức này nên thay thế đĩa phanh. Ngoài ra, chủ nên nên kiểm tra tình trạng đĩa phanh trong mỗi lần bảo dưỡng.
Khi láng, bề mặt đĩa phanh bị mài mỏng đi. Nếu đĩa phanh đã cũ, láng đĩa có nguy cơ làm hư hại cụm phanh vì đĩa không đủ độ dày theo tiêu chuẩn. Chính vì vậy, các nhà sản xuất xe không đề cập việc láng đĩa trong sổ hướng dẫn sử dụng.
Chính vì thế, ở các trung tâm chăm sóc xe uy tín, việc láng đĩa thường được các kỹ thuật viên khuyến cáo rõ ràng về các rủi ro, cũng như tính khả thi của công việc. Thông thường đĩa phanh có ghi rõ độ dày tối thiểu ở phía mặt sau, nếu đĩa đã mòn gần đến mức này, chủ xe nên thay thế đĩa mới thay vì chọn cách láng đĩa, nhằm đảm bảo an toàn khi lưu thông. Chỉ láng đĩa khi đĩa còn mới, xe sử dụng chưa lâu.
Lưu ý rằng trong đa số trường hợp, phanh phát tiếng động khi mới di chuyển, sau khi lái khoảng 5 phút tiếng động biến mất là hiện tượng bình thường. Nguyên nhân có thể đến từ việc xe đi mưa rồi đỗ lâu ngày, nước mưa đọng trên phanh khiến bề mặt bị gỉ. Sau khi di chuyển và dùng phanh những vết gỉ này bị đánh bay. Trường hợp này không cần phải láng đĩa.
Cố vấn dịch vụ các hãng xe cho biết, việc lái xe thường xuyên ở những vùng nước bẩn, nhiều bụi đất, đá dăm lọt vào giữa đĩa và má phanh sẽ khiến đĩa phanh hư hại. Vì vậy, nếu xe bẩn, cần rửa xe sớm, vệ sinh kỹ cả đĩa phanh. Sau khi rửa, cần di chuyển một thời gian để đĩa khô, có thể kết hợp rà phanh nhẹ. Đặc biệt, khi đi mưa về, không nên kéo phanh tay. Lúc này, gỉ sét tạo ra trên đĩa phanh sẽ trở thành thủ phạm khiến đĩa có thể bị mòn, xước không đều.
Hồ Tân