Kỹ năng tài xế cần có để tránh bị đâm xe liên hoàn

Đâm dồn toa (đâm xe liên hoàn), xảy ra khi một xe dừng đột ngột khiến các xe phía sau không kịp phản ứng mà đâm liên tiếp. Nguyên nhân chính là do các xe không giữ khoảng cách an toàn, tài xế không đủ thời gian để phản ứng. Dưới đây là lời khuyên của các chuyên gia lái xe an toàn để tránh tình trạng này.

Bám đuôi là "tự sát"

Bám đuôi khiến tài xế không thể quan sát gì ngoài xe phía trước, khả năng đọc tình huống, bao quát sẽ giảm đi. Vì vậy, cố bám đuôi là việc làm chứa đựng nhiều rủi ro, nhất là khi trời tối hoặc thời tiết xấu.

Việc cần làm lúc này là giảm tốc độ, và không bám sát theo phương tiện phía trước. Việc làm này giúp tài xế có thêm thời gian để phản xạ trước những tình huống bất ngờ. Đặc biệt khi đường trơn, xe cần nhiều khoảng cách với phương tiện phía trước hơn để dừng hoàn toàn so với khi mặt đường khô.

Các chuyên gia khuyên các tài xế nên áp dụng quy tắc 3 giây để ước lượng khoảng cách so với xe phía trước. Đầu tiên cần chọn một cột mốc bên đường, như cây cột điện, cái cây... Sau đó bắt đầu đếm thời gian từ 1 đến 3 khi xe phía trước đi qua cột mốc, quãng đường xe phía trước đi được sau 3 giây là khoảng cách an toàn cần giữ. Trong trường hợp thời tiết xấu, khoảng cách an toàn nên tăng dần, từ 5-8 giây tùy vào tình hình.

Các ô tô đâm dồn toa trên cao tốc TP HCM - Long Thành, tháng 10/2022. Ảnh: Anh Tâm

Các ô tô đâm dồn toa trên cao tốc TP HCM - Long Thành, tháng 10/2022. Ảnh: Anh Tâm

Luôn để ý gương hậu

Để cho phương tiện khác bám sát theo đuôi xe là việc làm nguy hiểm vì có thể trong trường hợp dừng khẩn cấp, xe đằng sau sẽ không có nhiều thời gian để phản ứng. Tài xế thực tế khó có thể kiểm soát tình huống này, nhưng có thể tránh bằng cách chạy nhanh hơn nếu điều kiện cho phép, hoặc chuyển làn và giảm tốc độ để xe đằng sau vượt. Việc luôn để ý đến gương hậu giúp cho chủ xe biết được có xe bám theo sát đuôi không.

Trong trường hợp bị bám đuôi quá sát và có tình huống dừng khẩn cấp, nếu điều kiện cho phép tài xế nên giảm tốc độ, đánh lái về phía an toàn nhất, sau khi đã quan sát kỹ phía sau để đảm bảo an toàn.

Quan sát rộng, đọc tình huống

Quan sát dòng phương tiện trên đường để biết nên đi ở đâu, như thế nào là việc tiên quyết giúp tài xế "phòng thủ". Ví dụ, trên những cung đường có các phương tiện tải trọng nặng, kích thước lớn như xe tải, xe container, tài xế nên giữ khoảng cách xa hơn với các phương tiện này, và không đi song song. Đây là những phương tiện cần nhiều khoảng cách để dừng hẳn so với xe nhỏ trong tình huống khẩn cấp, và có thể bị vẫy đuôi, khiến đuôi xe văng về phía trước khi dừng đột ngột.

Bên cạnh đó, nhìn xa về phía trước để có thể nhận biết, nếu các xe phía xa phanh đỏ đèn, tức xe của bạn cũng cần chuẩn bị tâm lý để giảm tốc độ. Không nên phó mặc mọi chuyện cho xe ngay phía trước.

Hiểu rõ phương tiện đang đi

Tài xế cần nên biết khoảng cách dừng hẳn khi đi tốc độ cao của phương tiện bằng cách tự kiểm chứng, nhằm hình dung được xe cần bao xa để dừng trong trường hợp khẩn cấp. Có thể thực hiện được điều này trong bãi đất trống, không có người qua lại và đủ điều kiện an toàn, tài xế tăng tốc và phanh đột ngột đến khi dừng hẳn, sau đó quan sát quãng đường từ lúc nhấn phanh cho đến lúc dừng. Nên thử ở nhiều dải tốc độ, và thử trong điều kiện mặt đường ướt.

Trong trường hợp không tránh được va chạm dồn toa, các chuyên gia cho biết ngồi yên trong xe trong thời điểm xảy ra va chạm là an toàn nhất, vì có thể các phương tiện đằng sau tránh va chạm sẽ rẽ về hai bên, có thể va chạm vào những người thoát ra khỏi xe sớm. Chỉ nên thoát ra khỏi xe khi chắc chắn đã an toàn, đằng sau không có xe nào lao lên. Khi thoát ra khỏi xe bị dồn toa, các hành khách nên di chuyển nhanh lên phía trên, không đi ngược đường và không đứng giữa đầu - đuôi xe.

Tân Phan