Khi thủng lốp vì cán đinh, các tài xế có thể bơm căng bánh tạm để di chuyển trên một đoạn nhỏ, cho đến khi tìm thấy dịch vụ sửa lốp. Nếu bơm bánh nhưng vẫn bị xuống hơi nhanh, giải pháp nhanh chóng là dùng bộ vá dùi, vá nấm, hoặc thay bánh dự phòng. Lốp có thể hoàn toàn được vá và di chuyển an toàn khi vị trí cán đinh là trên bề mặt tiếp xúc với đường, trong trường hợp bị rách, thủng ở bên hông lốp, đa phần lốp không còn an toàn để sử dụng nữa.
Hông (thành) lốp là phần phẳng bên cạnh lốp xe, có chất liệu tương tự như bề mặt lốp, bao phủ các lớp sợi bố. Ngoài việc cung cấp những thông số, thành lốp còn có tác dụng tăng độ ổn định và độ bền tổng thể của lốp. Khi xe di chuyển, phần hông lốp luôn trong trạng thái đàn hồi linh hoạt để hấp thụ các tác động khi đi trên mặt đường xấu như ổ gà, gờ giảm tốc... Bởi nhiệm vụ này, hông lốp không thể làm dày như mặt lốp hoặc cứng như mặt lốp, khi ấy lốp không còn đàn hồi.
Khi hông lốp bị hư hại, cấu trúc của lốp xe bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu vá và tiếp tục di chuyển, lốp có thể bị nổ, khiến xe mất kiểm soát và gây tai nạn. Vị trí có thể vá là phần giữa bề mặt lốp, nếu vết thủng/rách ở vị trí sát cạnh lốp và ở phần hông, chủ xe cần phải thay lốp ngay.
Tuy nhiên, nếu bên hông lốp chỉ bị cứa phần bề mặt khoảng 1-2 mm, diện tích nhỏ, chưa "ăn" vào phần sợi bố, lốp có thể được tiếp tục sử dụng nhưng chủ xe cần lưu ý theo dõi mức áp suất trong mỗi lần chạy, nhằm đảm bảo lốp không bị mất hơi quá nhanh. Trong trường hợp xuống hơi nhanh hơn các bánh khác, cần thay lốp càng sớm càng tốt.
Bên cạnh rách bên hông lốp, một trường hợp ảnh hưởng nghiêm trọng đến lốp xe khác là hông lốp bị phình bong bóng, nổi "cục u" lớn. Hiện tượng này do các lớp bố hông lốp đã hư hại, khiến cấu trúc bên trong bị ảnh hưởng, nhưng phần cao su bọc bố lốp vẫn chưa bị thủng, nên áp suất bên trong lốp đã "thổi căng" vị trí bị hư hại. Trường hợp này lốp không còn an toàn để sử dụng, có thể bị nổ bất cứ lúc nào. Thay lốp là giải pháp duy nhất.
Cách lái và chăm sóc xe của tài xế có ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ bị hư hại hông lốp. Để giảm thiểu tỷ lệ này, lốp nên luôn được bơm đúng mức áp suất theo khuyến cáo của nhà sản xuất, thường được ghi rõ ở vị trí khung cửa ghế lái.
Ngoài ra, khi lái xe nên tránh các ổ gà, hạn chế lái lên lề, nếu không thể tránh tình huống này tài xế cần giảm tốc độ. Đỗ xe sát lề một cách cẩn thận để tránh lề đường làm xước hoặc hư hai bánh xe. Cuối cùng, nên hạn chế đỗ xe ngoài nắng, khiến lốp tiếp xúc với tia UV gây hiện tượng lão hóa sớm.
Tân Phan (theo AutoDeal)