Đèn ôtô ngày càng chói - nỗi khổ của tài xế đường dài

Công nghệ thay đổi, thị hiếu người dùng chuyển dịch và sai lệch khi lắp ráp là những nguyên nhân chính khiến đèn ôtô gây chói.

Ông Phạm Quân (59 tuổi, Rạch Giá, Kiên Giang) làm nghề tài xế đã 20 năm, hiện lái xe cho một cơ quan, cho biết những năm gần đây, ông cảm thấy khó khăn hơn rất nhiều khi lái xe vào ban đêm, bởi độ sáng của đèn xe ngược chiều.

"Lúc mới vào nghề, tôi thấy các phương tiện đi ngược chiều chủ yếu đèn vàng, nhìn rất dịu với mắt. Ngày nay hiếm đèn vàng hơn, chủ yếu là ánh đèn trắng khá khó chịu", ông Quân chia sẻ.

Vị tài xế lớn tuổi này cũng cho biết thêm, hàng năm vẫn kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhất là phần đo thị lực, và luôn đảm bảo. Vì vậy, ông Quân cho rằng mình cảm thấy khó quan sát không phải vì vấn đề mắt kém theo thời gian.

Trong khi đó, Phạm Phương (55 tuổi, Thanh Hóa) hiện mất sức lao động, không còn làm nghề liên quan tới xe đường dài cũng một phần vì đèn xe. Chục năm trước, ông ngồi ở ghế phụ một chiếc xe khách. Lúc xe vào cua trên đèo trong đêm mưa, gặp xe ngược chiều chiếu pha nên tài xế lóa mắt, đánh lái trúng cây cột bên đường, và tai nạn xảy đến.

Đường tắc vào buổi tối hồi tháng 4/2022, tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành - Phạm Chiểu
Đèn xe chói sáng một buổi tối tháng 4/2022, tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành - Phạm Chiểu

Theo một khảo sát của VnExpress vài ngày gần đây, trong số hơn 1.000 tài xế, 90% cho rằng đèn ôtô hiện nay quá chói, chỉ 8% nhận định độ sáng là phù hợp. Trong khi đó tại Anh, khảo sát của RAC Media Centre với hơn 1.200 tài xế hồi 2019 cũng có kết quả tương tự. 91% tài xế cho rằng đèn pha hiện nay quá sáng. 60% số tài xế không thể nhận biết xe ngược chiều đang để đèn chiếc xa (pha) hay chiếu gần (cốt). Số liệu của chính phủ Anh cho thấy, mỗi năm có khoảng 300 vụ tai nạn giao thông ở nước này liên quan tới độ chói của đèn pha.

Đèn pha quá sáng trở thành vấn nạn với người thường xuyên di chuyển đường dài. Bởi lẽ, ở khu vực trong đô thị, mật độ giao thông đông đúc, đèn đường nhiều, sức ảnh hưởng của đèn pha tới người khác là không nhiều. Ngược lại, với đường trường, hầu hết không có dải phân cách đủ cao để ngăn ánh sáng từ xe ở làn ngược chiều, ngoại trừ đường cao tốc. Khi ấy, tài xế thường xuyên bị chói mắt khiến phản ứng khi lái xe bị chậm. Chưa kể, những xe phía sau chiếu đèn vào gương chiếu hậu cũng gây khó chịu không kém.

Vậy vì sao đèn xenon, LED hiện nay (màu xanh, trắng) lại khiến mắt người khó tiếp nhận hơn là đèn halogen (màu vàng) trước đây?

Giáo sư Mark Rea, Trường Y khoa Mount Sinai Icahn (Mỹ) giải thích với Insiderrằng, mắt người nhạy cảm với tia màu xanh dương trong dải quang phổ, trong khi đó thiết bị đo không tính đến vấn đề này. Các thiết bị đo hiện nay mới chỉ tính mức cường độ ánh sáng mà bỏ qua khả năng tiếp nhận.

John Bullough, giám đốc chương trình tại Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe và Ánh sáng tại Trường Y khoa Icahn ở Mount Sinai, giải thích một nguyên nhân khác gây ra hiện tượng bị chói do đèn xe là do sai lệch khi lắp ráp. Theo nghiên cứu nội bộ, ông Bullough cho rằng 66% số ôtô được thử nghiệm có ít nhất một bên đèn lắp sai lệch, hoặc quá cao khiến người hướng đối diện bị chói, hoặc quá thấp khiến giảm tầm quan sát của tài xế.

Vinh Nguyễn, một hướng dẫn viên lái xe an toàn nhận định, có một số nguyên nhân khác khiến tài xế hiện nay cảm thấy khó khăn hơn khi lái xe ban đêm. Đầu tiên là lượng phương tiện tăng lên nhanh chóng, bên cạnh đó là xu hướng sử dụng xe gầm cao, mảng độ đèn phát triển, tài xế độ đèn chiếu sáng quá công suất (ví như LED bar). Cuối cùng, hành vi bật pha-cốt "vô tội vạ" của tài xế cũng là một lý do lớn.

Để giúp tài xế bớt khó khăn khi lưu thông ban đêm, các hãng xe tạo ra nhiều công nghệ hỗ trợ như gương chiếu hậu chống chói, đèn pha thích ứng tự động điều chỉnh góc chiếu (xa/gần tùy thuộc tình trạng giao thông). Tuy vậy, số lượng xe trang bị những công nghệ này vẫn khá ít, nên không thể hỗ trợ triệt để.

"Quan trọng nhất vẫn là ý thức tài xế", Vinh Nguyễn nhận định. Anh cho rằng, dù xe sử dụng đèn LED, laser, nhưng nếu người lái luôn chủ động chuyển về chế độ chiếu gần khi gặp xe ngược chiều, thì mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều.

Luật Việt Nam quy định, tài xế bị phạt 800.000-1.000.000 đồng khi sử dụng sai đèn pha-cốt. Tuy vậy, đây là hành vi diễn ra liên tục trên cả hành trình lái xe, chứ không phải những lỗi mang tính thời điểm, dễ kiểm tra như vượt đèn đỏ hay không tuân thủ biển báo, vạch kẻ đường.

"Phạt những người này là không xuể, tôi sẽ phải chạy chậm hơn, nháy pha nhiều hơn, và đôi khi chửi thề nhiều hơn", Vinh Nguyễn nói.


Nguồn vnexpress