Khi đỗ ôtô trời tối, khuất, trên đường đi, việc có thêm một chỉ dấu như đèn sẽ giúp người đi đường dễ nhận diện, hạn chế tối đa tai nạn xảy ra. Do đó, một số nhà sản xuất xe đã áp dụng "đèn đỗ xe" phía sau để tăng độ an toàn khi xe đã tắt máy và đỗ bên đường.
Trên cần gạt hoặc núm điều chỉnh đèn, đèn đỗ xe được biểu thị bằng chữ P có 3 tia sáng, hoặc 1 cặp 3 tia sáng ngược hướng với nhau.
Khi tài xế tắt máy và để chế độ đèn đỗ xe, chỉ cần ấn vào nút đèn đỗ để bật. Nếu đỗ xe bên phải đường, bật đèn đỗ bên trái, và ngược lại. Chức năng này được sử dụng khi đỗ xe ở những con đường hẹp, tối để giúp những người lái xe khác dễ thấy xe đang đỗ. Trên một số xe đời mới, tài xế có tùy chọn bật một bên đèn, hoặc bật cả hai bên nếu muốn.
Việc chỉ sáng một bên đèn phía ngoài phần đường các xe khác di chuyển giúp giảm năng lượng tiêu thụ xuống một nửa khi đỗ, đèn ở bên còn lại của xe không sáng ít ảnh hưởng đến sự an toàn của các phương tiện khác, vì đa phần xe ôtô di chuyển ở phía giữa lòng đường.
Các đèn đỗ xe được thiết kế sử dụng ít năng lượng, nhưng không phải để dùng lâu dài, ví dụ như vài ngày, vì đèn có thể làm xe "hết bình". Thời lượng sử dụng đèn đỗ xe tùy thuộc vào tình trạng ắc-quy và mẫu xe, có thể kéo dài vài giờ đến vài chục giờ.
Tại Việt Nam có nhiều mẫu xe được nhập khẩu từ các quốc gia khác nhau, do đó cách thức vận hành đèn đỗ xe cũng khác. Tài xế nên dùng đèn đỗ xe khi muốn đỗ xe tạm thời khoảng vài giờ ở chỗ tối, đường hẹp, khuất tầm nhìn. Nếu đỗ lâu hơn, ví dụ qua đêm, cần có thêm các cảnh báo phụ, như biển cảnh báo phản quang hoặc có đèn ở đầu và đuôi xe.
Đối với những xe chỉ bật một bên đèn phía trái khi đỗ, tài xế có thể đặt tam giác cảnh báo ở đuôi xe, nhằm giúp các xe máy đi sát lề đường dễ nhận diện hơn. Lý do vì nếu chỉ bật một bên đèn phía trái, không bật bên phải tài xế xe máy có thể nhầm lẫn với việc có xe máy phía trước, đi sát lề phải để tránh (phía không có đèn), khiến tai nạn xảy ra.
Tân Phan