Biển báo cấm ôtô trên phố Yên Hoa, Yên Phụ, Tây Hồ khiến nhiều tài xế cảm thấy bối rối vì sao cấm ôtô lại không cấm xe điện. Trong phần thảo luận trên VnExpress cũng chia thành hai quan điểm, một cho rằng khu vực này cấm xe xăng để bảo vệ môi trường, một cho rằng xe điện ở đây được hiểu là xe điện du lịch, tức loại xe buggy chở khách du lịch.
Thực tế, đây là biển cấm ôtô được cắm từ nhiều năm trước tại tuyến đường ven Hồ Tây, vốn khá hẹp, chỉ phù hợp cho xe máy lưu thông hai chiều, vì vậy, một chiều cấm ôtô đi vào. Đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, khái niệm "xe điện" trong biển phụ là xe điện chở khách du lịch (buggy), loại thường thấy ở các khu du lịch, sân golf, chứ không phải ôtô điện như xe VinFast, Tesla, BYD. Có nghĩa là, cấm mọi loại ôtô, kể cả ôtô điện.
Khái niệm này có thể không gây tranh cãi về cách hiểu trong khoảng chục năm trước, khi ôtô điện rất hiếm, gần như chưa có tại Việt Nam. Nhưng hiện nay, khi ôtô điện trở nên phổ biến, "xe điện" được hiểu rộng hơn.
Trong khi ở biển trên, xe điện được hiểu là xe buggy, thì trong các văn bản luật, như Luật giao thông 2008, Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ, khái niệm xe điện lại được dùng cho loại xe điện chở nhiều người, có đường riêng, loại phương tiện vốn đã không còn tồn tại ở Việt Nam nhiều năm. Nhưng ở phần giải thích từ ngữ của các văn bản luật lại không nhắc tới khái niệm này. Vì vậy, tới nay chưa có cách hiểu thống nhất về xe điện.
Với tài xế ôtô dù chạy xăng, dầu hay điện, khi thấy biển cấm phía trên, mặc định không được đi vào. Nghị định 100/2019 quy định, tài xế lái ôtô vào đường cấm bị phạt 2-3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1-3 tháng.
Thảo Nhung - Gia Chính