Một buổi chiều cuối tuần trên đường Hải Triều, quận 1, TP.HCM cũng bình thường như bao ngày khác. Tuy vậy, nếu ai để ý, sẽ thấy có một sự thay đổi không hề nhỏ ở đây.
Du khách đi bộ trên vỉa hè đường Lê Thánh Tôn, quận 1 (tuyến đường đang thí điểm thu phí sử dụng vỉa hè).
Từ mép đường vào hơn 1m, một vạch sơn vàng đã được kẻ phục vụ để xe gắn máy. Tiếp đó là một lối đi bộ khoảng 1,5m. Phía sát nhà dân lại có thêm một vạch vàng rộng hơn 1m để người kinh doanh xếp bàn ghế cho khách ngồi. Có hộ còn trang trí phần vỉa hè bằng một thảm cỏ xanh khá đẹp. Xe cộ, hàng quán trở nên ngăn nắp, không lộn xộn như trước.
Quyết định 32 của UBND TP.HCM về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn cho phép sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường và đóng phí làm nơi tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa; Điểm trông giữ xe có thu phí; Nơi tổ chức hoạt động văn hóa và giữ xe phục vụ hoạt động này; Điểm trung chuyển vật liệu, phế thải…
Theo đó, mức thu phí cho hoạt động trông giữ xe từ 20.000 - 350.000 đồng/m2/tháng và mức thu phí cho các hoạt động khác từ 20.000 - 100.000 đồng. Mức phí tùy theo giá đất bình quân tại 5 khu vực.
Theo hướng dẫn của Sở GTVT, vỉa hè thuộc diện cho sử dụng một phần phải rộng ít nhất 3m, trong đó 1,5m dành cho người đi bộ. Còn với lòng đường, sau khi chừa lại ít nhất hai làn ô tô cho một chiều đi, phần còn lại nếu đủ điều kiện mới tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông.
Trên đường Trần Hưng Đạo (phường Nguyễn Cư Trinh), chị Thúy Nguyễn, quản lý quán cơm tấm Voi cho biết, cửa hàng thuê 9m2 vỉa hè để đặt xe bán hàng. Diện tích không lớn nên bàn ghế khách ngồi vẫn để trong nhà, vỉa hè bên ngoài chỉ để xe hàng và xe máy của khách. Chị cho biết đăng ký qua mạng, thanh toán trực tuyến, giá 900.000 đồng/tháng.
"Trên phường gửi hướng dẫn đăng ký sử dụng hè phố và có mã QR code để người dân thao tác. Trong đường link có các hướng dẫn chi tiết như: Đăng ký sử dụng tạm thời một phần hè phố; Tra cứu thông tin đăng ký sử dụng tạm thời hè phố; Vị trí quy hoạch giữ xe có thu phí; Bản đồ số hè phố... Sau khi hoàn tất đăng ký, phường sẽ gửi mail xác nhận và đường link để đóng phí. Phí thuê vỉa hè trả trước khi sử dụng theo gói 3, 6, 9 và 12 tháng. Nói chung rất dễ thực hiện, tiện lợi", chị Nguyễn nói.
Đến nay, UBND quận 1 chính thức thí điểm thu phí vỉa hè tại 11 tuyến đường đủ điều kiện, gồm: Hoàng Sa, Mạc Đĩnh Chi, Hải Triều, Chu Mạnh Trinh, Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hàm Nghi, Trần Hưng Đạo, Cô Bắc, Võ Văn Kiệt. Theo lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị quận 1, thời gian thí điểm từ 9/5 đến 30/9. Sau đó, quận đánh giá để thực hiện các bước tiếp theo.
Tính đến ngày 10/5, đã có gần 30 hộ kinh doanh ở quận 1 đăng ký sử dụng một phần vỉa hè để buôn bán. Theo ghi nhận, tình trạng lộn xộn như trước đã không còn.
Ông Phan Công Trường, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Phú Nhuận cho biết, đơn vị đã gửi đề xuất tuyến đường thí điểm thu phí vỉa hè cho Sở GTVT TP.HCM và các đơn vị liên quan. Quận đang chờ phản hồi, hướng dẫn để thí điểm.
Bàn ghế quán ăn được kê khá ngăn nắp trên vỉa hè đường Hải Triều sau khi đăng ký thuê sử dụng.
"Chúng tôi đề xuất thu phí thí điểm tại tuyến đường Trường Sa, sau đó triển khai thêm ở một số tuyến khác. Do chưa có chỉ đạo nên chúng tôi vẫn chưa tuyên truyền, phổ biến cho người dân", ông Trường nói.
Tương tự, tại quận Gò Vấp, đơn vị đề xuất thí điểm thu phí vỉa hè trên tuyến đường Nguyễn Văn Lượng và đang đợi hướng dẫn để lập danh sách cho thuê. Đại diện Phòng Quản lý đô thị quận Gò Vấp cho biết, nếu thực hiện ở nhiều tuyến đường khả năng khó kiểm soát tốt. Bên cạnh đó, đường sá của quận khá nhỏ, vỉa hè không đủ điều kiện hoặc chưa đồng bộ nên khó triển khai rộng.
"Chúng tôi chưa kẻ đường, chưa lấy ý kiến người dân. Tuy nhiên, qua một số kênh nhận thấy đa số người dân đồng thuận. Với các tuyến đường không đủ điều kiện cho thuê vỉa hè, các phường phải cam kết đảm bảo trật tự, không xảy ra tình trạng lấn chiếm để kinh doanh buôn bán, xe cộ phải để đúng vạch quy định…", vị đại diện nói.
Ngoài hai địa phương này, một số quận khác trên địa bàn cũng có lộ trình tương tự, khi có chấp thuận từ Sở GTVT mới bắt đầu thí điểm, song hầu như đều dự kiến triển khai trong tháng 6 hoặc quý IV/2024.
Ghi nhận của PV, vỉa hè trên nhiều tuyến đường ở các quận trung tâm đã được kẻ vạch từ lâu. Trên một số tuyến đường như: Điện Biên Phủ (quận 3, quận 10), đường 3/2 (quận 10), Hồng Bàng (quận 5)… vạch sơn đã mờ, nhiều đoạn xe cộ đang dừng đỗ ngổn ngang, thậm chí chắn hết vỉa hè, không còn chỗ cho người đi bộ.
Đa phần người dân đã biết về chủ trương cho thuê một phần vỉa hè. Trong số này, nhiều người đồng ý thuê để thuận tiện kinh doanh, buôn bán. Tuy nhiên, với những người buôn bán trên vỉa hè, họ lại thấp thỏm với nhiều nỗi lo.
Anh Phúc Hậu, người dân mưu sinh trên đường 3/2 (phường 12, quận 10) cho biết, được sự cho phép của chủ nhà, cả 2 thế hệ gia đình anh đã buôn bán mưu sinh tại đây. Dù cũng nghe nói về việc sẽ cho thuê vỉa hè, nhưng anh chưa nhận thông tin chính thức từ chính quyền địa phương.
"Tôi rất lo vì trước nay buôn bán mưu sinh trước nhà dân, không biết có được thuê vỉa hè tại đây để tiếp tục làm ăn không. Ví dụ chủ nhà không có nhu cầu thì tôi có được thuê không? Tất cả khách quen đều ở đây cả nên nếu chuyển đi chỗ khác thì rất khó khăn", anh Hậu nói.
Tương tự, anh Quốc Thắng, người dân bán cà phê, nước sâm trên đường Trần Hưng Đạo chia sẻ, mỗi ngày bán chỉ được hơn 100.000 đồng. Tháng nào gia đình anh cũng thiếu trước hụt sau.
"Nếu thuê vỉa hè, mỗi tháng lại phải chi thêm vài trăm ngàn, số tiền này dù không lớn nhưng cũng là cả vấn đề với người nghèo. Thuê thì yên tâm buôn bán, nhưng chẳng kiếm được bao nhiêu. Tôi cũng chưa biết tính thế nào", anh Thắng nói.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM nhận định, vỉa hè là không gian công cộng, ai sử dụng với mục đích kinh doanh đương nhiên phải đóng phí, đây là điều hợp lý. Về giá cho thuê và đối tượng được thuê, các địa phương phải khảo sát, phân loại rõ ràng trước khi thực hiện.
"Nhắc đến vỉa hè, nhiều người cứ nói đây là phần đường dành cho người đi bộ, tuy nhiên trong điều kiện cụ thể của TP.HCM, phải chấp nhận vỉa hè đa năng. Nghĩa là ngoài chức năng cho người đi bộ, có một phần giúp cho người nghèo kinh doanh. Đây cũng là một phần để phát triển kinh tế cho thành phố", ông Nguyên nói.