Tại đồ án báo cáo UBND TP.HCM, Liên danh tư vấn gồm: Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP), Viện Quy hoạch miền Nam, Công ty TNHH Không Gian Xanh và Công ty EnCity cho rằng: Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là yếu tố kết nối thuận lợi, nhưng đồng thời là một chướng ngại vật lớn trong cấu trúc đô thị.
Sân bay này khiến mạch giao thông hướng Bắc - Nam của TP.HCM bị ách tắc. Chính vì vậy, liên danh tư vấn đề xuất phát triển quận Tân Bình thành một đô thị sân bay.
Để làm được điều này, thành phố cần tái cấu trúc khu vực sân golf thành một trung tâm thương mại dịch vụ lớn, với tính chất chính có thể là thiết kế, trình diễn, hội chợ thời trang quốc tế.
Nhiều người nhầm tưởng các tồn tại này bắt nguồn từ đồ án quy hoạch trước đây nên không giải quyết được, thậm chí phê phán nó. Nhưng thực tế là chúng ta chưa có đủ điều kiện, nguồn lực để thực thi đầy đủ các quy hoạch đó với mạng lưới giao thông đô thị được quy hoạch đồng bộ, đa phương thức gồm: ngầm, trên mặt đất và trên cao.
Điều chỉnh quy hoạch lần này phải kế thừa phương án tổ chức giao thông vẫn còn nguyên giá trị trước đó và bổ sung thêm giải pháp giao thông cho khu vực thông qua cải tạo và phát triển mới.
Kiến trúc sư Ngô Anh Vũ
Liên danh đề xuất cải thiện hạ tầng giao thông theo hướng Bắc - Nam xuyên qua sân bay bằng liên kết ngầm. Cùng đó, phải cải thiện kết nối giao thông hiện hữu xung quanh sân bay.
Kiến trúc sư Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng, nếu đề xuất quy hoạch sân golf tân Sơn Nhất thành trung tâm thương mại được chấp thuận và đưa vào quy hoạch, cần có một quy hoạch chung cho giao thông toàn bộ khu vực.
Hiện giao thông khu vực này vốn đã quá tải và thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ vào giờ cao điểm. Tình trạng kẹt xe không chỉ diễn ra ở quận Tân Bình mà còn ở Gò Vấp, Phú Nhuận, là nơi bao quanh khu vực sân golf.
Ông Võ Kim Cương nhận định, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang xây dựng thêm đường nối từ Trần Quốc Hoàn ra Cộng Hòa, trong đó có hầm chui Trần Quốc Hoàn nối vào nhà ga sân bay. Tuy nhiên, trục giao thông này vẫn được xem như là một tuyến đường "giải cứu" ùn ứ một phần khu vực sân bay, còn lối ra cho toàn bộ khu vực cần được nghiên cứu tiếp.
Ngoài vấn đề giao thông, ông Cương còn cho rằng, cần xem xét kỹ tác động của môi trường đối với toàn bộ khu vực khi quy hoạch sân golf thành trung tâm thương mại.
"Không gian trống của sân golf hiện giúp giảm mật độ dân cư, điều tiết khí hậu. Khi thay thế khoảng xanh này bằng một trung tâm thương mại cũng cần tính toán đến việc tạo ra một không gian xanh mới để bù trừ", ông nhận định.
Ý tưởng đề xuất phát triển khu vực xung quanh Tân Sơn Nhất thành đô thị sân bay không phải mới. Vào năm 2022, khi duyệt thiết kế dự án nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất, Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã tập trung vào yếu tố này.
Ông Lê Khắc Hồng, Trưởng ban dự án nhà ga T3 cho biết, công trình đang được thi công với 2 cao trình riêng biệt đi và đến nhằm tối ưu hóa diện tích sàn. Từ đó, giúp khai thác hiệu quả các dịch vụ thương mại phụ trợ từ hai khối phức hợp thương mại văn phòng.
Tuy nhiên, theo ông Hồng, quá trình lưu thông của hành khách, phương tiện ra vào nhà ga, trung tâm thương mại phức hợp phụ thuộc rất lớn vào hệ thống cầu và đường tầng kết nối từ tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa. Nếu có thêm nhiều tuyến đường xung quanh sẽ thông thoáng, hiệu quả hơn.
Đại diện UBND quận Tân Bình cũng đánh giá, sau thời điểm nhà ga T3 đi vào hoạt động (dự kiến cuối năm 2024), các tuyến đường xung quanh hướng ra Cộng Hòa tại phường 13, quận Tân Bình có khả năng lớn phải áp dụng nhiều phương án mới có thể gánh được áp lực giao thông tăng cao. Các phương án có thể triển khai như: Mở rộng đường hiện hữu, phân luồng 1 chiều, cấm tải theo giờ, cấm dừng đỗ.
Hiện hầu hết các tuyến đường còn lại đều đã là các khu dân cư hiện hữu nhiều thập kỷ, chi phí GPMB gấp nhiều lần chi phí xây dựng hạ tầng. Do vậy, theo vị này, nếu cần tìm khu đất dự trữ nhằm mở rộng hạ tầng chỉ có sân golf Tân Sơn Nhất là phù hợp.
Lý giải về quỹ đất dự trữ thuộc sân golf Tân Sơn Nhất phù hợp với nhu cầu mở rộng hạ tầng giao thông, kiến trúc sư Ngô Anh Vũ, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng TP.HCM cho biết, đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM được phê duyệt năm 2010 không có bố trí sân golf tại đây. Sau này khi dự án sân golf hình thành, chủ đầu tư cũng chưa thực hiện việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung để đảm bảo tính pháp lý đầy đủ vì khu vực sân golf thuộc đất quân sự, chưa chuyển mục đích sử dụng đất sang dân dụng.
Ông Vũ nhận định, khi nghiên cứu bất kỳ đồ án quy hoạch nào, giao thông là nội dung quan trọng được ưu tiên xem xét, nhất là đối với các khu vực tập trung đông người. TP.HCM hiện đang thiếu quỹ đất dành cho giao thông, công viên cây xanh, hạ tầng kỹ thuật đầu mối, không gian công cộng. Do đó, khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất khác (quân sự, nông nghiệp) sang dân dụng, cần ưu tiên bố trí các chức năng còn thiếu trên.
Tuy nhiên, thành phố cũng cần nguồn lực, dư địa để phát triển vì nguồn ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 25 - 30% nhu cầu. Bài toán đặt ra cho đơn vị tư vấn là làm sao hài hòa, vừa tạo ra không gian công cộng cho người dân vừa tăng sức hấp dẫn để thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân cho đầu tư phát triển.
Để chuẩn bị kịch bản phát triển khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất và đưa vào đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung, Viện Quy hoạch Xây dựng thành phố có đề xuất nghiên cứu khu vực khoảng 2.700ha bao gồm 1 phần diện tích của 4 quận: Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận và 1 phần Gò Vấp.
Mục đích là giải quyết được tình trạng dân cư tập trung mật độ cao nhưng thiếu hạ tầng xã hội, thường xuyên kẹt xe. Thành phố nên cân nhắc triển khai ngay các dự án giao thông theo quy hoạch đã duyệt, đặc biệt lưu ý đến các vị trí điểm đen giao thông và có giải pháp hợp lý về tổ chức, phân luồng, mở rộng...
Ngoài ra, có thể nghiên cứu phương án vận tải công cộng cho khu vực này trong đồ án, ưu tiên giải pháp kết nối rộng, tỏa ra nhiều nhánh khác nhằm giải tỏa nhanh lưu lượng xe cộ từ sân bay Tân Sơn Nhất.
Về ý kiến phản biện trung tâm thương mại thay thế sân golf vẫn có nguy cơ xảy ra ùn tắc, kiến trúc sư Ngô Anh Vũ cho rằng: "Để giải quyết vấn nạn kẹt xe, hầu như chưa có một siêu đô thị trên 10 triệu dân nào trên thế giới không sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là phương tiện giao thông khối lượng lớn như metro.
Vì vậy, khái niệm đô thị sân bay, "thành phố sân bay" cần khớp với "nhịp độ" hình thành tuyến Metro số 2 để có thể giải quyết được các tồn tại hiện nay".