Những tháng gần đây, Toyota liên tục điều chỉnh tăng giá bán trên một số dòng xe. Tuy nhiên, những khách hàng đã ký hợp đồng từ trước đó cũng bị đại lý gây khó dễ, "ép" mua xe với giá mới. Ngoài ra, tình trạng bán ô tô kiểu "bia kèm lạc" của đại lý Toyota vẫn tiếp diễn, gây bức xúc cho người tiêu dùng.
Chấp nhận tăng giá hoặc trả cọc
Đặt mua chiếc Raize tại Toyota Quảng Trị từ đầu tháng 3, anh Long (Đông Hà, Quảng Trị) nóng lòng khi đến nay vẫn chưa nhận được xe. Thậm chí, công sức chờ đợi trong 5 tháng qua của anh và gia đình có nguy cơ bị đổ bỏ bởi đại lý "quay xe", đưa ra một loạt điều kiện bất hợp lý.
Khách hàng này cho biết đã ký hợp đồng kinh tế và đặt cọc 10 triệu đồng để mua chiếc Toyota Raize màu đen với mức giá 527 triệu đồng. Tuy nhiên theo anh Long, vài tháng sau thì nhân viên bán hàng nói không được áp dụng mức giá này do Toyota Raize tăng giá lên 547 triệu đồng kể từ tháng 5.
"Hợp đồng tôi ký vào đầu tháng 3, giấy trắng mực đen và có đóng dấu đỏ của công ty xác nhận đặt mua xe Toyota Raize với giá lúc đó là 527 triệu đồng. Bây giờ giá xe tăng, đại lý lại ép khách lại phải mua theo giá mới. Vậy thử hỏi nếu giá xe giảm, liệu đại lý Toyota có giảm giá cho người mua?", anh Long bức xúc.
Theo khách hàng này, nhân viên tại đại lý Toyota Quảng Trị cho biết nếu anh không chấp nhận mua với giá mới (tăng 20 triệu đồng) thì showroom sẽ hoàn cọc.
Câu chuyện của anh Long cũng là vấn đề mà một số khách hàng khác gặp phải. Tháng 5, Toyota đồng loạt tăng giá các dòng ô tô của mình, với mức thay đổi 5-40 triệu đồng. Một số xe "hot" như Corolla Cross tăng 16 triệu đồng, Camry tăng 18-20 triệu đồng… Hay như Toyota Vios tăng giá 2 lần liên tiếp, tổng cộng 11 triệu đồng…
Việc khách đặt cọc 10 triệu đồng nhưng giá xe tăng 15-20 triệu đồng khiến nhiều đại lý "lật kèo" yêu cầu khách mua với giá mới, nếu không sẽ hủy cọc. "Trong hợp đồng, chỉ thấy điều khoản khách hủy thì bị mất cọc chứ đại lý hủy thì chỉ phải đền cọc, như vậy là không công bằng", một người mua xe Corolla Cross bất bình.
Tái diễn tình trạng "bia kèm lạc"
Không chỉ "ép" khách mua xe với giá mới, nhân viên kinh doanh tại Toyota Quảng Trị còn đề xuất anh Long mua thêm 30 triệu đồng tiền phụ kiện nếu muốn nhận sớm. "Theo hợp đồng, tôi được hẹn giao xe trong quý III/2022 nhưng bạn bán hàng nói đến cuối năm cũng chưa chắc đã có xe. Tuy nhiên, nếu chi ngoài thì sẽ được đảm bảo thời gian giao xe", anh kể.
Theo anh Long, một số người mà anh biết đặt cọc Toyota Raize muộn hơn và chấp nhận mua kiểu "bia kèm lạc" thì đã nhận được xe. Vấn đề này cũng được nhiều khách hàng phản ánh trên mạng xã hội, thậm chí một số nhân viên kinh doanh còn công khai chào bán Toyota Raize kèm "lạc" trong một số hội nhóm.
Quyền lợi của khách hàng bị bỏ quên
Câu chuyện kinh doanh ô tô kiểu "bia kèm lạc" xảy ra không chỉ với Toyota mà còn với một số hãng khác như Hyundai, Ford… Vấn đề này trở nên nhức nhối hơn thời gian gần đây, khi nhu cầu mua xe cao, trong khi nguồn cung bị hạn chế do tình trạng thiếu linh kiện trên toàn cầu.
Trước đó, Toyota Việt Nam cho biết đã nhận được một số thông tin về việc khách hàng phải mua phụ kiện kèm theo nếu muốn nhận xe sớm. Hãng ô tô Nhật Bản khẳng định "không có chủ trương này", đồng thời nhấn mạnh thêm chính sách "khách hàng đến trước được phục vụ trước".
Toyota Việt Nam nói người mua có thể liên hệ hotline của hãng để phản ánh. "Chúng tôi sẽ tiếp nhận và có biện pháp xử lý nếu phát hiện bất kỳ vi phạm nào từ đại lý", đại diện hãng xe Nhật Bản khẳng định trong một thông báo.
Tuy nhiên, kể từ khi đưa ra thông báo hồi tháng 4, khách hàng cho biết tình trạng "bia kèm lạc" vẫn xảy ra tại một số đại lý, nhất là với các sản phẩm đắt khách. Toyota Việt Nam cũng chưa công bố rộng rãi liệu đã có đại lý nào bị xử lý, khiến người dùng hoài nghi về tính minh bạch.