Ford Everest thế hệ mới đã chính thức ra mắt tại Việt Nam, làm phong phú thêm sự lựa chọn cho khách hàng ở phân khúc SUV 7 chỗ, bên cạnh Toyota Fortuner và Hyundai Santa Fe.
Được nâng cấp toàn diện ở cả nội và ngoại thất, Ford Everest 2023 có giá bán từ 1,099-1,452 tỷ đồng, tăng khoảng 40-52 triệu đồng so với thế hệ trước.
Ở thế hệ mới, Ford Everest có thêm phiên bản Ambiente giá mềm, và đắt nhất là phiên bản Titanium+ 4x4, cạnh tranh trực tiếp với Fortuner 2.8 4x4 AT Legender (1,459 tỷ đồng).
Ngoài Everest thế hệ mới, một số mẫu xe gầm cao khác cũng đang rục rịch ra mắt tại Việt Nam, như Isuzu mu-X, Ford Territory và Nissan Kicks.
Cụ thể, xe Territory đã nhiều lần bị bắt gặp chạy thử ở gần Hải Dương, nơi đặt nhà máy của Ford Việt Nam. Mẫu xe này sẽ đánh dấu sự trở lại của Ford ở phân khúc crossover hạng C, thế chỗ Escape trước đây. Đối thủ của Ford Territory sẽ là Hyundai Tucson, Kia Sportage, Honda CR-V và Mazda CX-5.
Trong khi đó, chiếc Nissan Kicks đã xuất hiện ở Ninh Bình, hứa hẹn ngày ra mắt không còn xa, chen chân vào phân khúc xe gầm cao đô thị vốn vô cùng chật chội, với những cái tên như Toyota Corolla Cross, Kia Seltos, Hyundai Kona hay Honda HR-V…
Trước tình trạng các mẫu xe mới khan hiếm hàng, bán chênh cả trăm triệu đồng so với giá đề xuất do thiếu nguồn cung linh kiện, trong tuần qua, phóng viên Dân trí ghi nhận diễn biến sôi động của thị trường ô tô cũ.
Theo khảo sát của phóng viên Dân trí tại một số đại lý ô tô cũ ở Hà Nội, lượng khách tới xem và mua xe hiện tại đông hơn hẳn so với thời điểm hồi đầu năm. Nguyên nhân được lý giải là do nhiều mẫu xe mới đang không có sẵn xe để giao ngay, khách hàng đặt cọc phải ký chờ vài tháng, chưa kể việc phải chấp nhận "mua bia kèm lạc". Ví dụ, khách ký hợp đồng mua Hyundai Grand i10 có thể phải chờ 1-2 tháng mới nhận được xe.
Các mẫu xe cũ đang nhận được nhiều sự quan tâm là Honda City, Hyundai Accent, Hyundai Grand i10, Toyota Vios hay Kia Morning. Đây là các dòng xe giá rẻ, tiết kiệm nhiên liệu, phù hợp với nhu cầu di chuyển và khả năng tài chính của số đông.
Tình trạng khan hiếm nguồn cung xe mới cũng dẫn tới một thực tế trớ trêu là một số dòng xe "hot", như Hyundai Santa Fe, Hyundai Tucson, Kia Seltos hay Toyota Raize..., thậm chí còn có giá đắt hơn lúc mới, song vẫn được nhiều người tìm mua.
Trong tuần qua, VinFast có lẽ là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trên thị trường ô tô. Trước tiên, đó là do "cơn sốt" đặt mua dòng xe xăng Lux sắp bị ngừng sản xuất để hãng chuyển hoàn toàn sang xe điện.
Trước sức mua quá lớn, trong tuần qua, đại lý VinFast đã ngừng nhận đặt cọc đối với xe Lux A2.0 và SA2.0. Thậm chí, một số khách hàng đặt mua xe vào cuối tháng 6 đã bị trả lại cọc.
Trong khi đó, một số tay buôn xe và người dùng ký được hợp đồng mua VinFast Lux đã rao bán lại suất cọc của mình với mức chênh 70-90 triệu đồng.
Một lý do nữa khiến cái tên VinFast được nhắc đến nhiều trong tuần vừa qua là việc hai mẫu xe điện VF 8 và VF 9 chưa có chiếc nào đến nay khách hàng nhưng đã tăng giá. Nguyên nhân được VinFast đưa ra là do "ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, chi phí nguyên vật liệu tăng cao".
Tuy nhiên, những khách hàng đã đặt cọc từ trước đây vẫn được mua theo mức giá cũ.
Cụ thể, giá xe VF 8 tăng 51,9 triệu đồng cho bản Eco và tăng 51,5 triệu đồng trên bản Plus. Tương tự, VF 9 bản Eco đắt thêm 64,8 triệu đồng và khách mua VF 9 Plus sẽ phải trả thêm 61,1 triệu đồng so với mức giá mà VinFast công bố trước đó.
VF 8 và VF 9 là hai mẫu ô tô điện được VinFast định vị trong phân khúc SUV hạng D và hạng E. Xe dự kiến bắt đầu giao tới tay khách hàng trong nước từ cuối năm nay và sau đó có thể cập bến một số thị trường quốc tế.
Hồi tháng 5, Toyota Việt Nam đã tăng giá xe Vios thêm 5 triệu đồng. Giờ đây, sau chưa đầy hai tháng, giá mẫu xe này lại tăng thêm 6 triệu đồng ở tất cả các phiên bản (E MT, E CVT, G CVT, và GR-S).
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, nguyên nhân xe Vios tăng giá là do hãng phải điều chỉnh về động cơ để đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 5 theo quy định tại Việt Nam (phiên bản trước mới đạt Euro 4).