Thêm áp lực ùn tắc, Hà Nội kéo giảm cách nào?

Tắc không lối thoát

photo-1695048766990


Ùn tắc khiến nhiều người phải "chôn chân" trên đường (chụp trên đường Phạm Hùng, đối diện bến xe Mỹ Đình).

Ghi nhận của PV thời gian gần đây, trên các tuyến đường trục chính vào trung tâm Hà Nội như: Tố Hữu, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển… liên tục xuất hiện cảnh người và xe chật cứng, di chuyển khó khăn.

Nhức nhối nhất phải kể đến đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân), trong khoảng thời gian sáng từ 7h10 - 8h40, chiều từ 17h20 - 19h30, ô tô, xe máy không chỉ giậm chân tại chỗ trên đường mà còn ken kín cả vỉa hè.

Vừa chật vật qua tuyến đường Khuất Duy Tiến, người tham gia giao thông tiếp tục ám ảnh khi phải lưu thông qua đường Phạm Hùng (Nam Từ Liêm). Trên tuyến đường này, lâu nay giờ cao điểm vỉa hè trở thành cứu cánh của xe máy.

Bên dưới đường cả gần km, xe khách tuyến cố định, xe hợp đồng di chuyển với tốc độ rùa bò để đón, trả khách… khiến áp lực giao thông càng gia tăng.

"Đi lại ở Hà Nội giờ cao điểm đúng là ám ảnh. Tuyến đường nào cũng thấy ken đặc phương tiện. Nhìn trước, nhìn sau đều là người là xe phủ kín. Nếu không về trước giờ cao điểm thì buộc phải ở lại cơ quan sau giờ cao điểm mới dám về nhà", chị Vũ Hương Trà (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ.

Cùng tâm trạng, anh Phạm Xuân Tùng (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay: "Từ hôm khai giảng, Thủ đô mỗi ngày đón cả vài chục nghìn học sinh, sinh viên tới trường, có thêm xe đưa đón học sinh và nhiều loại xe khác… đường đông đúc hơn là khó tránh khỏi, quan trọng giờ phải có giải pháp để bớt cảnh ùn tắc cho người dân khi lưu thông".

Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, giảm áp lực quá tải

photo-1695048767585


Vỉa hè trở thành nơi lưu thông của người tham gia giao thông giờ cao điểm.

Theo đánh giá của Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội, từ năm 1954 đến nay, Hà Nội đã trải qua 4 lần điều chỉnh địa giới, nhiều lần phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông, đã tạo ra những áp lực, khó khăn trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch.

Hạ tầng giao thông của Thủ đô đang phải gánh tới khoảng 7,9 triệu phương tiện (trong đó, có 1,1 triệu xe ôtô, 6,6 triệu xe máy và 0,2 triệu xe điện). Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 - 2022 là trên 10%/năm đối với ôtô, trên 3%/năm đối với xe máy. Đó là chưa tính đến 12 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành khác về hoạt động tại Hà Nội.

Theo số liệu khảo sát của Sở GTVT Hà Nội, lượng xe qua cầu Thanh Trì là 122.606 xe/ngày đêm, gấp 8,1 lần lưu lượng thiết kế. Các tuyến đường Tố Hữu, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Thúc Kháng... vào các giờ cao điểm lưu lượng phương tiện cũng vượt khoảng 1,8 lần so với lưu lượng thiết kế. Nút Ngã Tư Sở lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ, nhưng hiện đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ, nên thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.

Ông Phạm Quí Tiên, Phó chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa đồng bộ, việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đô thị còn chậm và thiếu đồng bộ; ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế… là nguyên nhân khiến nạn ùn tắc chưa được giải quyết.

Theo ông Tiên, để tạo thuận lợi cho người dân đi lại, thời gian qua, nhiều công trình giao thông đã được đầu tư và đưa vào khai thác, góp phần nâng cao năng lực giao thông của Thủ đô như: Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, hầm chui Lê Văn Lương, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Nhật Tân...

TP Hà Nội cũng đang tích cực phối hợp với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô để triển khai các dự án xây dựng đường Vành đai 4, Vành đai 3.5 nhằm cải tạo, mở rộng theo quy hoạch các tuyến đường cấp đô thị hướng tâm, hoàn thiện các tuyến đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, các tuyến đường sắt giao thông đô thị còn lại...

Trong khi đó, Sở GTVT Hà Nội đang tập trung rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển kết cấu hạ tầng GTVT TP Hà Nội; huy động mọi nguồn lực, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, tăng diện tích đất phục vụ giao thông.

Theo ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, đây là giải pháp cơ bản, mang tính đột phá, có vai trò rất quan trọng.

Cùng đó, Sở GTVT sẽ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phát huy tối đa năng lực mạng lưới giao thông hiện có; mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.

Bên cạnh đó là nhiều giải pháp khác như: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành GTVT, từng bước xây dựng hệ thống giao thông thông minh, xây dựng văn hóa giao thông an toàn… cũng đang được Sở GTVT Hà Nội thực hiện để từng bước kéo giảm ùn tắc.

Hà Nội còn 32 điểm ùn tắc

Sở GTVT Hà Nội cho biết, đến thời điểm này đã xử lý được 5/37 điểm đen ùn tắc gồm: nút giao Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo, Đại La - Trần Đại Nghĩa, Ngã Tư Vọng, nút giao Sa Đôi - đường 70 và nút Ngã Tư Sở - Láng.

Sở này cũng đã thí điểm điều chỉnh những bất cập về tổ chức giao thông một số nút giao thông như: Tổ chức giao thông tại 6 nút giao trên tuyến Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu - Lê Trọng Tấn (trục đường xe buýt BRT); Tổ chức giao thông các trục, tuyến đường khác gồm: Trục đường Vành đai 2, Thụy Khuê, Chu Văn An - Vạn Phúc, Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi.

Trên cầu Thanh Trì và trục đường vành đai 3 trên cao, Hà Nội điều chỉnh tổ chức giao thông nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông ở 26 nút giao, ngã tư…