Ô tô nhập khẩu xin giảm 50% lệ phí trước bạ như xe sản xuất trong nước

Mới đây, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính chủ trì và phối hợp với Bộ Công thương cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD).

Đứng trước tình hình trên, Các nhà Nhập khẩu Ô tô tại Việt Nam (VIVA) đã gửi đề xuất tới Quốc hội, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ với mong muốn được hỗ trợ tương tự như các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước.

Đại diện VIVA chỉ ra những khó khăn mà các thành viên thuộc Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) gặp phải, như sức mua thị trường giảm đột ngột dẫn đến lượng hàng tồn kho cao. VIVA khẳng định 12 doanh nghiệp thành viên của mình gặp khủng hoảng tồn kho nghiêm trọng hơn.

Ô tô nhập khẩu xin giảm 50% lệ phí trước bạ như xe sản xuất trong nước - 1
12 thành viên thuộc VIVA gồm: Audi, Bentley, Ferrari, Jaguar & Land Rover, Maserati, Morgan & Brabus, Porsche, Subaru, Volkswagen và Volvo (Ảnh: Audi Việt Nam).

Theo đại diện VIVA, lượng xe bán ra ký kết giảm kể từ 11/2022 nhưng lượng ô tô nhập khẩu (CBU) được đưa về liên tục tăng. Giai đoạn 10-12/2022, lượng ô tô nhập khẩu tăng 3 lần so với cùng kỳ 2021, vượt 77.000 chiếc. Tháng 1/2023, lượng xe cập cảng cũng ghi nhận tăng 3 lần so với 1/2021, lên tới 12.842 chiếc.

"Tình trạng thừa hàng ngày càng trầm trọng do 2 tháng đăng kiểm, lượng hàng tồn kho dồn từ tháng 10/2022 đến nay đang gây áp lực tài chính lớn. Chỉ một số nhà nhập khẩu và đại lý mới có thể trụ vững về mặt tài chính nếu không có sự hỗ trợ lệ phí trước bạ cho cả ô tô nguyên chiếc CBU", đại diện của VIVA cho hay.

Các thành viên VIVA cho rằng Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ tương tự và công bằng vì toàn bộ thị trường. Do đó, VIVA ủng hộ đề xuất giảm 50% thuế trước bạ chỉ khi áp dụng cho tất các các ô tô mới được lắp ráp trong nước CKD cũng như nhập khẩu nguyên chiếc CBU.