Lợi gì khi làm 5 tuyến đường trên cao ở TP.HCM?

Ám ảnh kẹt xe các cửa ngõ

Nhiều năm qua, ùn tắc tại TP.HCM diễn ra nhức nhối, nhất là tại các cửa ngõ như quốc lộ 1, quốc lộ 22, quốc lộ 13… Vào giờ cao điểm mỗi ngày, hàng nghìn phương tiện nhích từng chút một để di chuyển. Tình trạng này càng thêm nghiêm trọng vào các ngày lễ, Tết.

Lợi gì khi làm 5 tuyến đường trên cao ở TP.HCM?- Ảnh 1.


Cửa ngõ phía tây TP.HCM thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm, các dịp lễ Tết.

Anh Nguyên Vỹ (37 tuổi, ngụ Thuận An, Bình Dương) chia sẻ, hàng ngày, anh vượt qua quãng đường hơn 15km đến chỗ làm tại quận 3, TP.HCM: "Nhiều hôm, tôi vật lộn từ ngã tư Bình Phước đến vòng xoay cầu Bình Lợi, hay từ cầu Bình Triệu đến đường Đinh Bộ Lĩnh. Hiếm có ngày nào giờ cao điểm không kẹt, mệt mỏi vô cùng. Quãng đường đó nếu bình thường chỉ mất khoảng 35 phút. Nhưng thực tế, ngày nào tôi cũng mất hơn một giờ vì kẹt xe".

Ở cửa phía tây theo quốc lộ 1 về Long An cũng không khá hơn, vào giờ cao điểm sáng, chiều người dân phải nhích từng chút để ra vào trung tâm thành phố. Quốc lộ 1 đoạn này đã mở rộng từ lâu với mỗi bên 2 làn ô tô, một làn xe máy, có dải phân cách cứng ở giữa. Thế nhưng, lượng phương tiện quá đông, mặt đường hư hỏng khiến việc lưu thông thêm khó.

Hướng từ sân bay Tân Sơn Nhất theo đường Cộng Hoà đến nút giao An Sương, quốc lộ 22 lên Tây Ninh cũng tương tự. Đây là hướng tuyến ùn tắc nghiêm trọng nhất dù đường đã được mở rộng, xây cầu vượt, hầm chui.

Vì sao đề xuất làm đường trên cao?

Nghị quyết 98 của Quốc hội năm 2023 cho phép TP.HCM thí điểm triển khai các dự án theo hình thức BOT trên đường hiện hữu. Các dự án được lựa chọn đều là trục giao thông huyết mạch, có tính chất liên kết vùng.

Lợi gì khi làm 5 tuyến đường trên cao ở TP.HCM?- Ảnh 2.


Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 được nghiên cứu thêm phương án làm đường trên cao từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương.

Cụ thể, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); nâng cấp đường trục Bắc - Nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành và xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).

Hiện tư vấn đang lập báo cáo tiền khả thi các dự án, đã báo cáo đầu kỳ; Trong tháng 10 sẽ báo cáo giữa kỳ và tháng 11 báo cáo cuối kỳ để trình hội đồng thẩm định, sau đó trình HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp cuối năm.

Mới đây, Sở GTVT TP.HCM đã yêu cầu đơn vị tư vấn đưa thêm phương án nghiên cứu làm các đường trên cao ở các cửa ngõ vào quy hoạch chung của thành phố.

Ông Hoàng Phúc Dũng, Phó trưởng phòng Quản lý Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM cho biết, việc xây dựng các tuyến đường trên cao giúp tách biệt dòng xe, giảm áp lực cho các tuyến đường mặt đất, cải thiện tốc độ di chuyển, kết nối nhanh chóng giữa các quận, trung tâm lớn hoặc liên kết vùng.

"Các dự án khi hoàn thành sẽ mở rộng trục giao thông cửa ngõ, tăng cường kết nối, lưu thông hàng hóa giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, ĐBSCL, mở ra không gian phát triển đô thị cho khu Nam", ông Dũng đánh giá.

Ông Trần Chí Trung, Trưởng phòng Kế hoạch (Sở GTVT TP.HCM) cho biết, những tuyến đường trục chính đô thị, đặc biệt là đường xuyên tâm để kết nối với các tỉnh lân cận cần hệ thống đường trên cao để tách biệt với dòng xe trong đô thị.

"Đây được xem là đường đô thị tốc độ cao. Có thể đầu tư đường giao thông khác mức hoặc đi bằng và các nút giao khác mức để giảm giao cắt cùng mức gây ùn tắc", ông Trung nói.

Theo tính toán, các đường giao thông đô thị, nếu triển khai mở rộng, chi phí GPMB thường phải trên 50% tổng vốn đầu tư. Quy định hiện nay, các dự án PPP nhà nước chỉ tham gia vốn không quá 50%.

Nhưng theo Nghị quyết 98, những dự án nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch trên đường hiện hữu triển khai theo hình thức BOT, nếu chi phí GPMB trên 50% tổng mức đầu tư dự án, Nhà nước có thể tham gia vốn 70% tổng mức đầu tư. Đây là ưu điểm để thu hút nhà đầu tư vào các dự án theo hình thức BOT.

Trả lời câu hỏi vì sao phải đưa thêm phương án làm đường trên cao thay vì chỉ mở rộng mặt đường, ông Trung cho biết, đây là một trong các phương án để xem xét, đánh giá để lựa chọn. Hiện thành phố đang hoàn chỉnh đồ án điều chỉnh quy hoạch chung.

"Nếu không đưa thêm phương án làm đường giao thông khác mức vào quy hoạch, sau này mở rộng mặt đường theo phương án đi bằng không khả thi sẽ không có cơ sở pháp lý để phê duyệt theo quy định", ông Trung nói.

Khi nào triển khai?

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM nhận định, đường trên cao là yêu cầu cấp thiết đối với thành phố hiện nay. Bởi lẽ, tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng, quỹ đất để mở rộng đường dưới mặt đất gần như không thể, rất tốn kém.

"Xây dựng đường trên cao như một cách để "xây thêm tầng" cho một ngôi nhà đông đúc. Đây là phương án giải quyết vấn đề giao thông lâu dài, không phải giải pháp tạm thời", ông Nguyên nói.

Lợi gì khi làm 5 tuyến đường trên cao ở TP.HCM?- Ảnh 3.


Kẹt xe thường xuyên xảy ra ở cửa ngõ phía đông TP.HCM.

Về chi phí, ông Nguyên cho biết, đường trên cao giá thành cao hơn so với làm đường mặt đất. Nhưng, nếu tính toán kỹ hơn, việc mở rộng đường hiện nay chi phí đền bù cũng rất lớn, thời gian thi công kéo dài.

"Về lâu dài, làm đường trên cao sẽ lợi hơn. Còn về công nghệ, không quá khó. Việt Nam cũng làm nhiều đường trên cao rồi, nên TP.HCM hoàn toàn có thể làm được", ông Nguyên cho hay.

PGS. TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Đại học Việt Đức cho rằng, đường trên cao là giải pháp cần thiết cho các thành phố lớn như TPHCM. Các đô thị như Bangkok, Jakarta, Manila... việc xây dựng đường trên cao đã giảm đáng kể tình trạng ùn tắc. Do đó, nếu không có hệ thống đường trên cao, vấn đề ùn tắc tại TP.HCM sẽ ngày càng nghiêm trọng.

Ông Trần Chí Trung cho biết, báo cáo tiền khả thi của các dự án sau khi trình hội đồng thẩm định của thành phố để hoàn chỉnh lần cuối trước khi trình HĐND thông qua tại kỳ họp cuối năm.

Sau khi HĐND thông qua, tư vấn tiếp tục lập dự án đầu tư trình phê duyệt. Trong năm 2025 sẽ thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, phấn đấu có thể khởi công vào quý IV/2025.

Đã quy hoạch nhưng chưa xây dựng

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt, chậm nhất đến năm 2020, TP.HCM xây dựng xong 5 tuyến đường trên cao với tổng chiều dài 70,7km.

Tuyến số 1 (từ Cộng Hòa - Lăng Cha Cả - Điện Biên Phủ - cầu Thủ Thiêm 1) dài 9,5km, mức đầu tư khoảng 17.500 tỷ đồng.

Tuyến số 2, dài gần 12km, điểm đầu giao tuyến số 1 tại nút giao Lăng Cha Cả, điểm cuối tại quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh).

Tuyến số 3 dài 8km, điểm đầu giao tuyến số 2 tại đường Thành Thái (quận 10), điểm cuối giao đường Nguyễn Văn Linh (quận 7).

Tuyến số 4 dài 7,3km, điểm đầu giao tuyến số 5 trên quốc lộ 1, điểm cuối giao tuyến số 1 ở đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh.

Tuyến số 5 (từ trạm 2 đi theo quốc lộ 1 đến An Sương) dài 21,5km, mức đầu tư khoảng 15.500 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư cho hai dự án này khoảng 33.000 tỷ đồng.

Năm 2023, TP.HCM đã giao Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) nghiên cứu tiền khả thi các tuyến đường trên cao ở TP.HCM. Qua quá trình nghiên cứu, CII cũng đã đưa ra phương án ghép 3 tuyến đường trên cao tạo thành đường trên cao Bắc - Nam với tổng mức đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng.