Ghi nhận của PV Báo Giao thông, thời gian qua, rất nhiều cây cầu dành cho người đi bộ ở Hà Nội chưa phát huy hiệu quả.
Nhiều cầu vượt dành cho người đi bộ tại Hà Nội chưa phát huy hiệu quả, ít người sử dụng.
Điển hình, dọc tuyến xe buýt BRT được lắp đặt hàng loạt cầu vượt đi bộ kết nối với hạ tầng giao thông công cộng. Tuy nhiên, rất nhiều hành khách đi xe buýt lại chọn cách trèo qua hàng rào để sang đường thay vì sử dụng cầu đi bộ.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra với các cây cầu vượt bộ hành trên đường Nguyễn Chí Thanh, Xuân Thủy... dù các cây cầu này đều khá sạch sẽ, được lắp đặt hệ thống mái che đầy đủ, thuận tiện cho người dân sử dụng.
TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông phân tích, nguyên nhân chủ yếu khiến một số cầu đi bộ chưa thu hút được người dân là do ý thức tham gia giao thông của nhiều người còn chưa cao, thói quen tiện đâu đi đấy còn phổ biến.
"Người đi bộ không đi đúng phần đường quy định, vượt qua dải phân cách, đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn sẽ bị phạt, song mức xử phạt cao nhất là 100.000 đồng chưa đủ tính răn đe. Trên thực tế, lực lượng chức năng thường chỉ nhắc nhở chứ chưa xử phạt và cơ quan chức năng cũng không đủ lực lượng để thực hiện giám sát 24/24h để xử phạt", ông Đức nói.
Dù nhiều cây cầu chưa phát huy hiệu quả, tuy nhiên mới đây Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông tiếp tục báo cáo Sở GTVT Hà Nội, đề xuất UBND TP Hà Nội đầu tư gần 300 tỷ đồng xây mới 29 cầu vượt dành cho người đi bộ tại các khu vực đông dân cư và trường học trên địa bàn thành phố.
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 70 cầu vượt bộ hành ở các nút, các tuyến giao thông có mật độ lưu thông lớn và tại các khu vực gần bệnh viện, trường học.
Lý giải việc này, ông Lê Hữu Hồng, Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội cho hay: Vị trí xây dựng cầu vượt phải phục vụ phần lớn nhu cầu đi bộ qua đường của người dân, không trái với các quy hoạch được duyệt. Đồng thời, không trùng với danh mục đầu tư các cầu vượt đang triển khai trên địa bàn thành phố.
Thực tế, theo ông Hồng, đường Vành đai 2 dưới thấp đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng sau khi hoàn thành (tháng 1/2023), ô tô, xe máy lưu thông rất nhanh. Trong khi đó, tại các điểm giao cắt với đường nhánh, lưu lượng người đi bộ qua đường nhiều, không ít vụ va chạm giao thông, thậm chí tai nạn thương tâm đã xảy ra.
Việc xây dựng các cầu vượt này được kỳ vọng sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông cũng như đáp ứng kiến nghị của cử tri cùng chính quyền các quận, huyện, thị xã, phục vụ nhu cầu đi bộ qua đường của người dân.
Theo, TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, đi bộ là một trong những nhu cầu cơ bản của mọi tầng lớp dân cư. Đi bộ cũng là yếu tố cấu thành của vận tải công cộng, nên nếu không gian đi bộ không liên tục, thuận tiện, an toàn thì vận tải hành khách công cộng sẽ rất khó phát triển.
"Việc quy hoạch phát triển không gian đi bộ, cầu bộ hành cho các đô thị ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội rất cần được ưu tiên", ông Minh nói.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy, chuyên gia giao thông cho rằng, việc xây dựng cầu vượt đi bộ mới sẽ bảo đảm an toàn cho người đi bộ tại các vị trí giao thông phức tạp.
Tuy nhiên, nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng các vị trí cầu, xử lý nghiêm các trường hợp người đi bộ băng ngang đường không đúng nơi quy định thì những cây cầu này sẽ khó phát huy hiệu quả.
"Chi phí xây dựng mỗi cầu từ 3 - 5 tỷ đồng, có cầu kinh phí xây dựng thậm chí còn cao hơn. Vì vậy các công trình này cần được rà soát, đánh giá tổng thể trước khi đầu tư để tăng tính hiệu quả", bà Thủy góp ý.