Mỗi năm, Đà Nẵng thu hút cả triệu lượt khách du lịch. Nhu cầu thuê xe tự lái, nhất là của du khách nước ngoài khá lớn, đặc biệt ở khu vực quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà.
Đáng nói, hầu hết du khách đều không có GPLX hoặc có nhưng không đúng quy định. Còn các chủ cơ sở cho thuê xe không quan tâm đến việc khách có bằng lái hay không.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, dọc tuyến đường ven biển Võ Nguyên Giáp và một số tuyến đường có nhiều điểm lưu trú của du khách như Đỗ Bá, An Thượng… có hàng trăm lượt du khách nước ngoài điều khiển mô tô, xe máy.
Đáng nói, hầu hết đều không đội mũ bảo hiểm. Khi qua các nút giao, họ cũng không giảm tốc độ, rất nguy hiểm. Thực tế, rất nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra.
Mới đây nhất, chiều 20/8, một nữ du khách Hàn Quốc điều khiển xe máy lên bán đảo Sơn Trà, khi ôm cua tại đoạn đường gần chùa Linh Ứng thì tự trượt ngã, văng qua bên kia đường, lọt vào gầm xe khách đang đi ở chiều ngược lại. Nạn nhân tử vong tại chỗ.
Trước đó, một nam du khách quốc tịch Pakistan cũng tử vong tại chỗ khi điều khiển xe máy qua giao lộ Ngô Quyền - Vương Thừa Vũ và va chạm với một xe máy khác.
Trong vai hướng dẫn viên du lịch, PV liên hệ với một cơ sở cho thuê xe máy trên đường Đỗ Bá cho nhóm khách nước ngoài tự lái. Nhân viên cơ sở này cho biết, giá thuê xe số là 100 nghìn đồng/ngày, còn xe tay ga tùy loại, mới hay cũ sẽ có giá trên dưới 150 nghìn đồng/ngày.
Người cho thuê chỉ yêu cầu khách có hộ chiếu hoặc cọc tiền. Còn không có bằng lái, công an phạt khách tự chịu. "Người cho thuê không quyết định được việc khách có bằng lái hay không", người này nói.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại một số cửa hàng cho thuê xe máy tự lái mà PV khảo sát.
Theo lãnh đạo Đội CSGT - trật tự Công an quận Ngũ Hành Sơn, trên địa bàn quận có 7 cơ sở cho thuê xe máy tự lái, tập trung tại phường Mỹ An. Đội đã tổ chức tuyên truyền cho các chủ cơ sở về việc tuân thủ quy định khi cho người nước ngoài thuê xe. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều chủ cơ sở vẫn cho người nước ngoài không có GPLX thuê xe.
Ngoài ra, hiện nay còn có tình trạng viết giấy tay bán xe cho người nước ngoài. Người mua đi một thời gian sẽ bán ngược xe lại cho cơ sở cho thuê nhằm tránh việc chủ cơ sở liên đới trách nhiệm của người giao xe.
"Lực lượng CSGT của đội thường xuyên tuần lưu, thấy vi phạm là xử lý. Thời gian qua cũng đã xử phạt nhiều du khách nước ngoài vi phạm", vị này cho biết thêm.
Theo Đội CSGT - trật tự Công an quận Sơn Trà, đội đang rà soát lại số lượng cơ sở cho thuê xe máy tự lái để mời các chủ cơ sở này lên tuyên truyền việc chấp hành luật pháp luật.
Trao đổi với Báo Giao thông, thượng tá Phạm Hồng Hải, Phó trưởng phòng CSGT, Công an TP Đà Nẵng cho biết, khi tình hình phức tạp sẽ lập chuyên đề, cử các tổ công tác xử lý riêng.
Theo thượng tá Hải, cơ quan chức năng đã tuyên truyền đến các cơ sở cho thuê xe, yêu cầu cam kết khi cho thuê phương tiện phải đảm bảo người thuê đáp ứng đủ điều kiện.
"Chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền đến tận nơi, nếu vẫn xảy ra vi phạm sẽ tiếp tục rà soát, lập danh sách, điểm danh từng cơ sở để yêu cầu ký cam kết. Cơ sở nào không đáp ứng điều kiện thì không cho hoạt động. Cơ sở đủ điều kiện nhưng vi phạm thì đề xuất chấm dứt hoạt động kinh doanh", thượng tá Hải nói.
Thượng tá Hải cho hay, hiện nay, việc mua bán, cho, tặng xe đều có quy định cụ thể. Nếu người kinh doanh lách luật viết giấy tay bán xe để né trách nhiệm là vi phạm pháp luật.
"Quá trình tuần tra kiểm soát, nếu phát hiện, lực lượng chức năng sẽ nhắc nhở, yêu cầu chuyển quyền sở hữu phương tiện. Nếu người điều khiển phương tiện vi phạm, liên quan đến TNGT sẽ bị xử lý hành chính đối với việc chưa chuyển nhượng quyền sở hữu", thượng tá Hải cho biết thêm.
Trước đó, năm 2019, Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng lập Tổ chuyên xử lý người nước ngoài vi phạm giao thông. Cán bộ trong tổ là những chiến sĩ có trình độ ngoại ngữ tốt nhằm mục đích vừa xử lý vi phạm, vừa hướng dẫn tuyên truyền.
Tuy nhiên, giai đoạn 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, việc du khách nước ngoài đến Đà Nẵng giảm mạnh, vi phạm giao thông đối với nhóm đối tượng này cũng giảm nên tổ này cũng không còn hoạt động.