Ngày 21/3, Sở GTVT Hà Nội cùng Tổ chức Sáng kiến Thiết kế đường phố toàn cầu (GDCI), tổ chức HealthBridge (tổ chức phi chính phủ của Canada) đã khảo sát một số tuyến đường trong khuôn khổ Dự án sáng kiến Bloomberg Philanthropies vì an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 -2025.
Tại đường Võ Chí Công, để cảm nhận độ an toàn của giao thông với người bị khuyết tật, một số người trong đoàn công tác đóng vai người khiếm thị bằng cách bịt mắt lại, có người dẫn sang đường.
Nhận xét chung của cả đoàn công tác sau khi sang đường là hệ thống giao thông hiện đang ưu tiên cho phương tiện xe cơ giới, chưa ưu tiên cho người đi bộ và người khuyết tật.
Cũng theo khảo sát của tổ chức quốc tế, ôtô nếu đi tốc độ 30km/h đâm vào người đi bộ, thì khi bị đâm người đi bộ có 90% khả năng sống sót. Nhưng cũng là người đó nếu như bị xe ô tô đâm với tốc độ là 60km/h khả năng tử vong tăng lên rất cao là 90%.
Một vấn đề nữa theo GDCI là tốc độ cũng tác động rất lớn đến tầm nhìn của lái xe. Lái xe tốc độ càng cao thì tầm nhìn càng hạn chế, không quan sát được xung quanh.
Đại diện GDCI cho hay: Các thành phố trên thế giới hiện nay đang giải quyết vấn đề về tốc độ. Thủ đô Paris của Pháp đã giới hạn tốc độ xuống dưới 30km/h. TP Valencia tại Tây Ban Nha cũng đang áp dụng quy định tương tự. Tất nhiên, không phải tất cả các thành phố có đủ nguồn lực làm việc đó và cũng khó có thể áp dụng giải pháp này toàn thành phố. Chính vì thế chúng ta có biện pháp khác để cân nhắc thực hiện theo vùng.
Về việc giảm thiểu ùn tác giao thông, các chuyên gia quốc tế cho hay: Nếu làm thêm nhiều tuyến đường cũng đồng nghĩa với việc tạo thuận lợi cho xe cá nhân đi lại thuận tiện hơn. Điều này cũng có thể dẫn đến việc có nhiều ô tô hơn và nhiều ô tô hơn lại gây ra tắc nghẽn nhiều hơn.
"Làm thêm đường cho ô tô để giải quyết ùn tắc giao thông thì chả khác nào nới rộng thêm thắt lưng để nuôi dưỡng việc béo phì. Nếu tạo ra sự thoải mái ngay lập tức thì điều đó không giải quyết được gốc dễ được vấn đề", một chuyên gia cho hay.
Từ đây, các chuyên gia khuyến cáo Hà Nội khi thiết kế các tuyến đường cần lưu ý mở rộng vỉa hè, tạo không gian cho người đi bộ có thể đi qua tuyến phố một cách an toàn, tạo đảo nghỉ chân giữa phố người đi bộ phải dừng đợi, mở góc vỉa ba toa nâng cao tầm nhìn cho người lái xe; quan tâm hơn đến người khiếm thị...
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đào Duy Phong - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong khuôn khổ Dự án sáng kiến Bloomberg Philanthropies vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu giai đoạn 2021 -2025, Sở GTVT là cơ quan thường trực của Ban ATGT thành phố Hà Nội tổ chức tập huấn về thiết kế đường phố an toàn và vai trò của xử lý vi phạm giao thông trên địa bàn TP Hà Nội.
Thành phố mong muốn các chuyên gia hàng đầu trên thế giới sẽ chia sẻ kinh nghiệm về vai trò của thiết kế đường phố an toàn và lấy trọng tâm là người tham gia giao thông.
Hà Nội xác định việc thiết kế đường phố an toàn là một trong những nội dung nhằm giảm thiểu TNGT trên địa thành phố.